Thứ 6, 22/11/2024, 22:17[GMT+7]

Phát triển nghề cho người khiếm thị

Thứ 4, 02/12/2020 | 14:49:45
3,569 lượt xem
Những năm qua, tẩm quất thực sự trở thành nghề mũi nhọn, làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm người khiếm thị trong tỉnh, giúp họ có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nghề tẩm quất giúp người khiếm thị có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nghề tẩm quất của người khiếm thị hình thành và phát triển tại Thái Bình đến nay đã hơn 18 năm. Đây là một nghề rất phù hợp với người khiếm thị, cho thu nhập cao hơn một số nghề thủ công truyền thống như làm tăm tre, chổi đót hay đan lát..., thu hút được đông đảo người khiếm thị trong độ tuổi lao động tham gia. Toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở tẩm quất do các cấp hội người mù quản lý và hội viên làm chủ, tạo việc làm thường xuyên cho 350 người khiếm thị với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Trước kia, khi chưa có nghề tẩm quất, nhiều người khiếm thị phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân, đời sống hết sức khó khăn nhưng nay họ đã từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Có việc làm và thu nhập giúp người khiếm thị khẳng định được giá trị của bản thân, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. 

Bị khiếm thị bẩm sinh cả 2 mắt nên cuộc sống của chị Nguyễn Hoài Thương, xã Thụy Liên (Thái Thụy) trước kia chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ giúp gia đình những việc lặt vặt. Từ ngày được học và làm nghề tẩm quất tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù tỉnh, cuộc sống của chị đã thay đổi hoàn toàn. Tuy đôi mắt không sáng nhưng bù lại chị Thương có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, tinh tế để mang lại sự thoải mái cho khách hàng. Nhờ nghề tẩm quất, mỗi tháng chị Thương có thu nhập trung bình hơn 4 triệu đồng. Chị chia sẻ, nghề tẩm quất không chỉ giúp chị có thu nhập ổn định để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình mà còn khiến chị cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.

Để phát triển dịch vụ tẩm quất, những năm qua, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh liên tục mở các lớp dạy tẩm quất cho người khiếm thị. Ngoài dạy nghề, Trung tâm còn mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho người khiếm thị, thống nhất quy trình kỹ thuật trước khi hành nghề, kỹ năng giao tiếp và thái độ ứng xử với khách hàng. Bên cạnh đó, các cấp hội người mù trong tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như xây dựng trang web, logo, in biển quảng cáo... để giới thiệu dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị.

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Thời gian tới, để phát triển hơn nữa dịch vụ tẩm quất, Hội Người mù tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho những người đã biết nghề, tiếp tục đào tạo nghề để bổ sung nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động. Bên cạnh đó, Hội sẽ xây dựng kế hoạch khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu khách hàng để có những dự báo và phương hướng hoạt động trong mỗi giai đoạn. Thúc đẩy hoạt động của câu lạc bộ tẩm quất để những người khiếm thị có cơ hội giao lưu, học hỏi. Tổ chức hội thi tay nghề hàng năm để đánh giá, xếp loại chất lượng chuyên môn, nhằm mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về nghề tẩm quất của người khiếm thị, từ đó ủng hộ, tạo điều kiện để nghề ngày càng phát triển. Tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Thu Hoài