Thứ 4, 15/01/2025, 16:59[GMT+7]

2020 là một trong 3 năm nóng kỷ lục trên Trái đất từ trước tới nay

Thứ 6, 04/12/2020 | 08:27:12
2,285 lượt xem
Năm 2020 đang trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, thậm chí có thể vượt cả mức nhiệt cao kỷ lục năm 2016.

Theo VMO, 2020 là một trong 3 năm nóng kỷ lục trên Trái đất. (Ảnh: AP)

Đây là kết quả từ báo cáo Thực trạng khí hậu toàn cầu 2020 do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào ngày 2/12. Theo báo cáo này, năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất được ghi nhận, sau năm 2016 và năm 2019. Nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Điều đáng lo ngại là năm 2020 nóng bất thường bất chấp tác động của hiện tượng La Nina. La Nina là hiện tượng khí hậu lặp đi lặp lại, thường diễn ra vào tháng 8 và mạnh lên trong tháng 10, làm mát nhiệt độ bề mặt biển dưới mức bình thường ở Thái Bình Dương gây ra bởi những thay đổi về gió, áp suất không khí và lượng mưa. Mặc dù La Nina chỉ gây tác động ở khu vực Thái Bình Dương nhưng nó có tác dụng làm giảm nhiệt độ trên toàn bộ Trái đất.

WMO cho biết, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 sẽ là thập kỷ nóng nhất được ghi nhận, với 6 năm nóng nhất là từ năm 2015. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Trong khi lượng khí thải đã giảm trong đợt đóng cửa do dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia vào mùa xuân, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2020.

2020 là một trong 3 năm nóng kỷ lục trên Trái đất từ trước tới nay - Ảnh 1.

Băng tan tại Greenland. (Ảnh: AP)

Ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng này diễn ra trên khắp thế giới trong suốt cả năm 2020, gây ra thực trạng nhiệt độ khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và mùa mưa bão chưa từng thấy trên Đại Tây Dương. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas đã nhận định, năm 2020 là "một năm đặc biệt khác biệt đối với khí hậu của chúng ta".

Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Australia đã phải hứng chịu mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khủng hoảng khí hậu đã khiến khả năng xảy ra các đám cháy cao hơn ít nhất 30%. Theo Quốc hội Australia, ít nhất 33 người và khoảng 1 tỷ động vật đã chết trong đám cháy. Hàng trăm người khác thiệt mạng do hít phải khói cháy rừng.

Vụ cháy rừng kinh hoàng ở miền Tây nước Mỹ khiến ít nhất 43 người thiệt mạng vào mùa thu năm nay. Vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới Pantanal ở Nam Mỹ bị cháy trong nhiều tháng.

Theo các nhà khoa học, năm nay, bão, lốc xoáy... trên toàn thế giới đang trở nên mạnh hơn và có khả năng gây chết người nhiều hơn khi Trái đất nóng lên do khủng hoảng khí hậu.

2020 là một trong 3 năm nóng kỷ lục trên Trái đất từ trước tới nay - Ảnh 2.

Hàng loạt vụ cháy rừng đã xảy ra. (Ảnh: AP)

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng vào tháng 11/2020 khi cơn bão nhiệt đới Eta đổ bộ vào Trung Mỹ. Bão Iota càn quét qua Nicaragua khoảng 3 tuần sau đó, được coi là cơn bão mạnh nhất năm 2020 ở Đại Tây Dương và mạnh nhất từng đổ bộ vào nước này. Ở Mỹ, cơn bão Laura đã khiến ít nhất 27 người chết trong tháng 8. Tại Philippines, hàng chục người đã chết khi 2 cơn bão liền nhau đổ bộ trong vòng 10 ngày vào tháng 11.

Bên cạnh đó, nhiệt độ ở các đại dương trên toàn cầu cũng tiếp tục ấm lên. Bao phủ gần 3/4 bề mặt Trái đất, các đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt lượng của thế giới. Theo báo cáo của WMO, hơn 80% đại dương toàn cầu đã trải qua một đợt nắng nóng trên biển vào một thời điểm nào đó trong năm 2020.

Báo cáo nhấn mạnh, Bắc Cực là khu vực đang trải qua "những thay đổi mạnh mẽ" khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Vào tháng 9, lượng băng ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp thứ 2 kể từ kỷ lục vào năm 1978. Theo báo cáo, băng ở Greenland tiếp tục mất đi mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2019.

Theo vtv.vn