Thứ 7, 28/12/2024, 02:45[GMT+7]

Giá trị của văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ ở tỉnh Thái Bình trong giai đoạn hiện nay

Thứ 6, 11/12/2020 | 08:29:59
27,736 lượt xem

Ảnh tư liệu minh họa.

Trong bối cảnh đặc biệt của thế giới năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn. Nghị quyết cho thấy sự thống nhất, hòa quyện giữa văn hóa với cách mạng, cách mạng với văn hóa. Hồ Chí Minh đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của UNESCO, để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Người đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong đó phải kể đến lĩnh vực văn hóa, nhất là trong giải phóng dân tộc, Người đã kế thừa chọn lọc và sáng tạo không chỉ tinh hoa nền văn hóa nhân loại mà cả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để có được tư tưởng văn hóa đặc sắc không phải giá trị văn hóa hiện tại mà nền văn hóa của tương lai. 

Tư tưởng văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh luôn được nhắc tới bao gồm các giá trị tư tưởng, hành vi và nhân cách của chủ thể lãnh đạo, được sáng tạo, bồi dưỡng, rèn luyện gắn liền với sự nghiệp chính trị của Người và tiến trình cách mạng Việt Nam; có ý nghĩa lịch sử và hiện thực to lớn đối với quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời người còn chú trọng đến xây dựng văn hóa lãnh cho đội ngũ cán bộ của Đảng.

Thứ nhất, văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào hoàn thiện nhân cách của chủ thể lãnh đạo.

Văn hóa lãnh đạo đó chính là biểu hiện nhân cách của chủ thể lãnh đạo. Song, đó không chỉ là cái thuộc về chủ thể lãnh đạo, bởi vì những nội dung đó phải do chính xã hội xây dựng nên, chúng trở thành cái khách quan tác động trở lại chủ thể lãnh đạo. Đây chính là những định hướng, những giá trị, những chuẩn mực, quy tắc mà chủ thể lãnh đạo phải hướng tới để nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, nhân cách của mình. Do đó, trên nền tảng của văn hóa lãnh đạo, các chủ thể lãnh đạo có khả năng phát huy được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực đồng thời có những điều chỉnh mục tiêu phát triển cho phù hợp với xu thế và sự phát triển. 

Thứ hai, văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. 

Vai trò của văn hóa lãnh đạo bảo đảm cho mục đích hoạt động của lãnh đạo mang tính bền vững hơn, đạt được hiệu quả thiết thực và hài hòa về các mặt của đời sống. Nó bảo đảm cho sự thống nhất giữa tính khách quan khoa học và khía cạnh đạo đức học của quá trình lãnh đạo xã hội. Người có văn hóa lãnh đạo sẽ góp phần cổ vũ sự sáng tạo, tự do, dân chủ của từng thành viên nói chung, phát huy được tối đa sức mạnh của tập thể, hạn chế được độc đoán, chuyên quyền, áp đặt ý chí chủ quan của người lãnh đạo. Văn hóa lãnh đạo giữ vai trò chế định các mối quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo và khách thể lãnh đạo. Đây là sự thể chế hóa các vai trò, các vị thế và các quyển lực xã hội để cho bộ máy xã hội vận hành được thống nhất, tồn tại bền vững. 

Thứ ba, văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay.

Văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị, có mặt còn phát triển sâu sắc hơn. Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, để họ biết xử lý các mối quan hệ chính trị, thực sự trở thành người đầy tớ trung thành, tận tụy vì nhân dân như lời Bác dạy: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1]. Những đặc trưng văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh trở thành những hệ giá trị chuẩn mực để đội ngũ cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị phấn đấu không ngừng học tập, noi theo. 

Thứ tư, văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh góp phần xây dựng Đảng ta thực sự là đạo đức là văn minh.

Nếu nói đến văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần gắn liền với sự ra đời, với mục tiêu lý tưởng và cách thức tổ chức, phương pháp hoạt động của Đảng, thì các giá trị đó đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc, tạo niềm tin và sức mạnh cho Đảng. Người khái quát văn hóa lãnh đạo bằng một định nghĩa rất súc tích Đảng ta là đạo đức là văn minh. “Đạo đức”, “văn minh” là kết tinh của tư chất văn hóa lãnh đạo cao nhất và đó cũng là biểu hiện đặc trưng nhất văn hóa của văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh cũng như của Đảng ta.

Trong những năm gần đây một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, hống hách, xa dân; coi thường tính nguyên tắc trong lãnh đạo, đôi khi làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm, cảm tính, thói quen tùy tiện của cá nhân, chưa coi trọng tính khoa học, văn hóa trong lãnh đạo nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tất cả những biểu hiện này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là hiệu quả lãnh đạo quản lý thấp, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Những thành tích tiêu biểu trong xây dựng văn hóa lãnh đạo của tỉnh Thái Bình thời gian qua: 

Luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Trong đó, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng. Quy định và chỉ đạo, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức và các chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đặc biệt là Giờ học chuyên đề toàn tỉnh nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Bác với trên 68.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện và hành động của toàn Đảng bộ.

Công tác cán bộ được tiếp tục đổi mới, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ. Trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên. Nguyên tắc tập trung, dân chủ được giữ vững; thẩm quyền quản lý cán bộ được phân cấp rõ ràng gắn với trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Công tác quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng và điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định[2]. Hầu hết cán bộ được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành tựu trong việc thực hiện xây dựng văn hóa lãnh đạo còn tồn tại như: Công tác giáo dục tư tưởng chính trị có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc nắm bắt, ngăn chặn và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch còn hạn chế. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, nhất là lãnh đạo về kinh tế. Công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa tốt, còn tình trạng đảng viên vi phạm kỷ luật, bị xử lý bằng pháp luật. Một số đảng viên chưa gương mẫu, chưa tích cực tham gia sinh hoạt đảng và sinh hoạt với nhân dân ở nơi cư trú. Công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ ở một số đảng bộ còn hạn chế nhất định; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy chưa đạt yêu cầu. Công tác chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, đơn vị chưa được chú trọng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số địa phương, đơn vị chưa cao, chưa tích cực tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm tại cơ sở; một số cuộc vận động, phong trào thi đua hiệu quả đạt được còn thấp.

Để góp phần xây dựng văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ ở tỉnh Thái Bình cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, không dao động trước mọi diễn biến của tình hình, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí, cửa quyền, hách dịch dân. 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân gắn với thực hiện Nghị quyết số 35 -NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm. Kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm về phẩm chất, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác, quan liêu, sách nhiễu nhân dân. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín vi phạm kỷ luật trong công tác lãnh đạo điều hành.

Bốn là, tăng cường phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong công tác và trong sinh hoạt đời thường. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc.

Năm là, cần đổi mới công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa lãnh đạo có hiệu quả chất lượng, quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong tất cả các tổ chức, các ngành, các lĩnh vực, ở các cấp độ khác nhau theo tinh thần văn hóa lãnh đạo ngày càng đáp ứng yêu cầu cao trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của tỉnh.

Tóm lại nâng cao văn hóa lãnh đạo của cán bộ hiện nay, chính là sự quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa đức và tài của người cán bộ. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Việc toàn thể đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà phải quyết ra sức phấn đấu không ngừng nâng cao văn hóa lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Thạc sỹ Bùi Đức Dũng

(Trường Chính trị Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày