Thứ 6, 22/11/2024, 22:49[GMT+7]

Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam

Chủ nhật, 13/12/2020 | 06:57:24
1,223 lượt xem
Muốn phát huy tài năng trẻ bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, nhà tuyển dụng, quản lý cũng cần biết cách khuyến khích tài năng, từ bỏ định kiến với người tài.

Quang cảnh diễn đàn "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam"

Đó là ý kiến của các đại biểu tài năng trẻ tại 5 diễn đàn với chủ đề "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam" được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020 diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội.

Theo đại biểu Phan Duy Anh (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), một người được coi là nhân tài không phải chỉ do có phẩm chất, năng lực, mà quan trọng hơn, là phẩm chất và năng lực ấy có được thể hiện trong những việc ích quốc lợi dân hay không. Nếu có năng lực mà không làm được những việc có lợi cho dân, cho nước, thì không đủ để được coi là nhân tài. 

Từ quan điểm này, đại biểu Phan Duy Anh đề xuất cần xác định rõ mục tiêu đào tạo nhân tài là học thức, đạo đức, tác phong và năng lực công tác. Nội dung đào tạo phải thiết thực, cơ bản, toàn diện trong việc trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ. 

Cùng với đó, muốn sử dụng nhân tài, trước hết người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải khéo thì tài nhỏ có thể hoá thành tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá thành tài nhỏ.

“Muốn dùng nhân tài thì người quản lý cần phải có “bốn phải". Phải độ lượng thì mới có thể đối đãi nhân tài một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho người tài không rời bỏ. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi với những người mình không ưa. Phải sáng suốt mới khỏi bị đối tượng xấu bao vây mà xa cách nhân tài. Phải có thái độ vui vẻ thân mật thì nhân tài mới vui lòng gần gũi mình”, anh Duy Anh nói.

Cũng theo đại biểu này,  người tài thường hay có tật, nếu người quản lý cứ chấp nhặt những tật đó, cho họ thấy môi trường không tốt thì người tài sẽ ra đi. Và việc dùng người tài đúng là “tài việc gì dùng việc đấy” thì mới phát huy được khả năng của họ.

Đại biểu tài năng trẻ nêu ý kiến tại diễn đàn

Cùng đề cập đến nội dung sử dụng người tài,  TS Hà Thị Thanh Hương, giảng viên trường Đại học Quốc tế, nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế về khoa học thần kinh chỉ ra một nghiên cứu về não bộ phụ nữ và nam giới không khác nhau về khoa học, kỹ thuật. Do đó, chính định kiến của nhà tuyển dụng, người quản lý chính là rào cản hạn chế sự phát triển của nữ giới, nam giới.

"Hãy tin tưởng, gỡ bỏ những định kiến. Đừng vì một người nữ nộp hồ sơ mà nghĩ sau này họ sẽ vướng bận về xã hội, không cho họ thăng tiến, nghĩ sau này họ làm mẹ sẽ mất thời gian, không tập trung công việc được", TS Hương nhắn nhủ.

TS Phạm Tuấn Anh, Phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đặt vấn đề lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ không thể kéo dài mãi, do vậy phải tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên thực trạng "chảy máu chất xám" đã diễn ra nhiều năm nay bởi môi trường làm việc ở nước ngoài tốt hơn, đãi ngộ tốt hơn, rất nhiều người băn khoăn không biết có nên trở về hay không? Có cách nào để chủ động thu hút, phát huy nguồn lực này?

Nêu hiện tượng nhiều người tài năng không trở về nước làm việc hoặc bỏ khu vực nhà nước sang làm khu vực tư nhân, đại biểu Đào Đức Triệu, Đoàn thanh niên Bộ Công an cho rằng chính sách thu hút đãi ngộ tài năng chưa đủ mạnh. “Tôi thấy ở Singapore, họ chọn người tài nhất vào làm việc trong khu vực nhà nước thì một người làm bằng hằng trăm người. Dù là nước nghèo nhưng chúng ta phải chi mạnh cho người tài” - Đại biểu Đào Đức Triệu cho hay.

Theo: dangcongsan.vn