Thứ 4, 22/01/2025, 22:46[GMT+7]

Hiệu quả dạy nghề chăn nuôi, thú y cho nông dân

Thứ 2, 14/12/2020 | 10:23:59
4,599 lượt xem
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sang đối tượng chăn nuôi khác để ổn định nguồn thu. Tuy nhiên, do chăn nuôi theo hình thức tự phát, chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã mở lớp dạy nghề nhằm trang bị và bổ sung kiến thức về chăn nuôi, thú y cho nông dân.

Cán bộ chăn nuôi thú y hướng dẫn nông dân phương pháp chăm sóc gà theo từng giai đoạn phát triển.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Qua khảo sát thực tế nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, năm 2020 Chi cục đã mở lớp dạy nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà” cho các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tham gia học nghề, các học viên được Chi cục cấp phát đầy đủ các vật tư, dụng cụ chăn nuôi như gà giống, máng ăn, máng uống, vắc-xin phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, thuốc sát trùng để xây dựng mô hình chăn nuôi ngay tại gia đình và vận dụng luôn kiến thức học được vào hoạt động chăn nuôi. Thông qua lớp dạy nghề nhằm cung cấp cho người chăn nuôi những kiến thức về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, sử dụng các loại thuốc thú y, kỹ thuật phòng và trị bệnh cho gà, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà để phát triển sản xuất chăn nuôi ở quy mô lớn hơn, ổn định, nâng cao thu nhập và từng bước làm giàu.

Để các lớp dạy nghề phát huy hiệu quả cao, người nông dân hứng thú học tập và tiếp thu đầy đủ kiến thức, Chi cục đã phân công cán bộ là kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm trực tiếp tham gia giảng dạy. 

Bà Phạm Thị Loan, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Hưng cho biết: Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, trong thời gian dạy nghề, ngoài việc giảng dạy lý thuyết cơ bản trong nuôi và phòng trị bệnh cho gà, chúng tôi dành chủ yếu thời gian đến trực tiếp khu chăn nuôi của bà con nông dân, hướng dẫn cụ thể các phương pháp thiết kế, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, tiêm vắc-xin, chế biến khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh, phòng trị bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi... Qua đó tạo điều kiện cho các học viên được quan sát và thực hành ngay trên đàn gà của gia đình.

Ông Phạm Văn Lý, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: Năm 2020, Chi cục tổ chức 11 lớp dạy nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà” với hơn 330 học viên là các hộ chăn nuôi trên địa bàn 8 huyện, thành phố tham gia. Chi cục đã cấp phát hơn 8.000 con gà giống có độ tuổi từ 2 - 4 ngày (25 con/học viên) để các học viên có cơ hội áp dụng thực hành. Quá trình dạy nghề, Chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đạt được của các lớp học. Sau 3 tháng đào tạo nghề (từ tháng 7 - 10/2020) cho thấy, các học viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn thực hiện thuần thục các thao tác nuôi và phòng trị bệnh cho gà. Kết quả cụ thể, đàn gà cấp phát cho các học viên sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ chết thấp, đạt trọng lượng trung bình từ 2,8 - 3,5kg/con. Kết thúc khóa học, các học viên được kiểm tra đánh giá kiến thức và được Chi cục cấp giấy chứng nhận nghề nếu đạt yêu cầu.

Là một trong những học viên được tham gia lớp học nghề, bà Nguyễn Thị An ở thôn Kim Ngọc 1, xã Liên Giang (Đông Hưng) cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi gà theo phương pháp truyền thống với số lượng vài chục con. Do chưa nắm được các quy trình kỹ thuật như cách chọn giống, sử dụng thuốc thú y, phòng trị bệnh cho gà nên chi phí sản xuất cao, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Được tham gia lớp học, tôi thấy những kiến thức rất thiết thực, gần gũi với thực tiễn chăn nuôi hàng ngày tại gia đình, chủ động được công tác phòng, chống dịch bệnh, phát hiện và điều trị các loại bệnh thường gặp ở đàn gia cầm, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng kiến thức học được để mở rộng quy mô chăn nuôi, từ đó tăng thêm thu nhập.

Thanh Huyền