Thứ 7, 30/11/2024, 12:33[GMT+7]

Hiệu quả nuôi bò thịt vỗ béo trên nền đệm lót sinh học

Thứ 3, 15/12/2020 | 08:42:13
2,998 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển chăn nuôi đại gia súc, giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn và giúp người chăn nuôi có sinh kế bền vững.

Thực hiện đúng kỹ thuật của dự án, trung bình mỗi tháng bò của gia đình anh Phạm Văn Sáng (xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà) tăng gần 30kg.

Một trong những mô hình bước đầu mang lại hiệu quả đó là mô hình nuôi bò thịt vỗ béo trên nền đệm lót sinh học.

Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi trâu, bò nhất là trâu, bò nuôi thịt, vỗ béo do có diện tích trồng cây lương thực, thực phẩm có hạt lớn như lúa, ngô...; diện tích trồng lúa kém hiệu quả, vùng bãi ven sông phù hợp với trồng các loại cây làm nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò và phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, chăn nuôi nuôi bò của tỉnh vẫn theo mô hình nhỏ lẻ 1 - 2 con/hộ, chủ yếu là các hộ nuôi bò sinh sản, một số ít hộ chăn nuôi bò thịt với số lượng lớn hơn 20 con/hộ. Chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn chưa hợp lý nên chưa tạo ra được nguồn sản phẩm ổn định và bảo đảm chất lượng; công tác xử lý chất thải chăn nuôi chưa được thực hiện triệt để nên còn gây ô nhiễm môi trường. 

Nhằm khuyến cáo người nuôi bò sử dụng tối ưu nguồn thức ăn thô xanh sẵn có tại địa phương kết hợp thức ăn hỗn hợp và chế phẩm bổ sung để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời giảm gây ô nhiễm môi trường bằng đệm lót sinh học, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi bò thịt thương phẩm quy mô nông hộ sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường”. Các hộ tham gia được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y, men vi sinh làm đệm lót. Với sự tham gia của 6 hộ, quy mô 40 con bò thịt, mô hình bước đầu được người chăn nuôi đánh giá cao.

Cùng cán bộ khuyến nông, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Phạm Văn Sáng, xã Văn Cẩm (Hưng Hà), là 1 trong 6 hộ tham gia mô hình với quy mô 12 con bò. Anh Sáng phấn khởi dẫn chúng tôi đi thăm trang trại. Dù nuôi 12 con bò thịt với trọng lượng trên 500kg/con nhưng khu chuồng nuôi lại khá khô ráo và không có mùi hôi. 

Anh Sáng chia sẻ: Trước đây, tôi và một lao động khác phải dành khá nhiều thời gian để tắm cho bò, rửa chuồng, gom phân và nước tiểu của bò. Song từ khi sử dụng đệm lót sinh học, chỉ cần dành 1 - 2 giờ để đảo đệm lót, toàn bộ phân và nước tiểu đều được hấp thu và chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh. Thông thường, mỗi lượt đệm lót có thể sử dụng khoảng 1 tháng. Đệm lót có chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi nên sẽ sinh nhiệt và ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, từ đó góp phần tăng sức đề kháng và giảm bệnh tật cho bò. Đặc biệt, khi ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi, gia đình có thể sử dụng luôn chuồng trại sẵn có nên tiết kiệm khi chuyển đổi; vừa tiết kiệm nhân công lao động, môi trường lại sạch sẽ. Ban đầu, khi áp dụng cách làm mới tôi khá lo lắng, giờ thấy đàn bò khỏe mạnh, không mắc các bệnh về da, móng và tăng trưởng tốt nên tôi rất mừng và yên tâm. 

Với quy mô chăn nuôi 100 con bò thịt, bò sinh sản, anh Sáng cho biết thêm, thời gian tới gia đình anh sẽ quyết định áp dụng đệm lót sinh học cho toàn bộ chuồng trại; liên kết với nông dân để tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất.

Các giống bò lựa chọn thực hiện mô hình đều là các giống bò lai với bò thịt cao sản, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, tẩy nội ngoại ký sinh trùng theo quy định. Theo đánh giá, sau khi nghiệm thu các mô hình, đàn bò thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của chủ hộ. 

Kỹ sư Bùi Thị Chuyên, cán bộ phụ trách dự án cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã hướng dẫn chủ hộ sử dụng thức ăn cho đàn bò theo từng giai đoạn phát triển. Lượng thức ăn cụ thể cho đàn bò đều được cân theo từng ngày và ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký mô hình. Qua tổng kết, cho ăn với khẩu phần ăn vỗ béo thì hiệu quả sử dụng thức ăn của bò tăng lên, tăng trọng đạt trên 876g/con/ngày, vượt mục tiêu dự án. Mô hình cho thu lãi 147,4 triệu đồng/40 con (gần 3,7 triệu đồng/con); so sánh với mô hình đối chứng hiệu quả kinh tế tăng lên 13,46%.

Với những tiến bộ công nghệ sinh học, đệm lót sinh học được đánh giá là giải pháp hữu hiệu tác động giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp tiết kiệm nước, nhân công, hạn chế dịch bệnh. Hơn nữa, đệm lót còn trở thành phân bón hữu cơ vi sinh, là nguồn nguyên liệu hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hy vọng rằng thành công của dự án không chỉ dừng lại ở những mô hình mà còn nhân rộng tới các hộ chăn nuôi trong tỉnh.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày