Thứ 7, 18/01/2025, 11:53[GMT+7]

Bangkok xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương ô nhiễm không khí nhất thế giới

Thứ 4, 16/12/2020 | 08:00:54
1,987 lượt xem
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã tăng vọt lên mức “có hại cho sức khỏe” vào sáng 15/12.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Bangkok đã tăng lên mức “có hại cho sức khỏe”. (Ảnh: AP)

Ngày 15/12, Chính phủ Thái Lan đã phải đưa ra một loạt biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô Bangkok khi nơi đây là một trong những thành phố bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho biết, Phó Thủ tướng nước này Prawit Wongsuwon đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng ngăn chặn việc nông dân đốt rác nông nghiệp trên đồng ruộng, yêu cầu các ngành công nghiệp giảm sản xuất, điều tiết lưu giao thông, hạn chế thời gian thi công xây dựng và đưa các phương tiện thải khói đen ra khỏi đường phố nhằm giảm khói bụi.

Ngoài ra, ngày 15/12, các quan chức y tế Thái Lan đã cảnh báo, người dân Bangkok nên đeo khẩu trang mọi lúc khi ra ngoài và tránh tất cả các hoạt động ngoài trời không cần thiết.

Bangkok xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương ô nhiễm không khí nhất thế giới - Ảnh 1.

Chính phủ Thái Lan đang tăng cường xử lý tình trạng ô nhiễm không khí ở Bangkok. (Ảnh: AP)

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã tăng vọt lên mức 190 so với ngưỡng an toàn 100 vào sáng 15/12, xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã lên tới mức "không tốt cho sức khỏe" tại ít nhất 14 quận của vùng đô thị Bangkok trong sáng 15/12.

Ông Attapol, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm cho biết, điều kiện thời tiết không thuận lợi là một phần nguyên nhân gây ra khói độc. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan sẽ cố gắng chấm dứt việc đốt cây trồng sau thu hoạch và rác thải ngoài trời ở các tỉnh gần Bangkok cho đến ngày 17/12. Các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập để bắt những phương tiện thải khói đen, đặc biệt là các xe chạy dầu trên 15 năm.

Ngoài ra, nếu tình hình PM 2.5 không được cải thiện, Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét gia hạn lệnh cấm đốt. Những người lái xe ô tô chạy bằng động cơ diesel nên nạp nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp cho xe. Các chuyên gia cho rằng, những nguồn chính gây ra khói bụi PM 2.5 ở Bangkok là khí thải động cơ, ô nhiễm công nghiệp và tình trạng đốt các loại cây trồng thương mại như ngô và mía sau thu hoạch ở bên ngoài thành phố.

Theo vtv.vn