Thứ 3, 05/11/2024, 17:22[GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Đoàn công tác của tỉnh

Thứ 4, 16/12/2020 | 20:08:26
11,129 lượt xem
Chiều ngày 16/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với Đoàn công tác tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Audio: 1602-thoiA-_thu_tuong_lam_viec_voi_ubnd_tinh_mixdown.mp3

Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Đoàn công tác của tỉnh có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết quả xây dựng nông thôn mới. Về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, hầu hết các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; trong đó, nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ước tăng 8,66%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.100 USD, cao gấp 1,7 lần so với năm 2015. Để tiếp tục đưa Thái Bình phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tỉnh đã xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh một số dự án, công trình trọng điểm như quy hoạch điện gió, điện khí LNG vào quy hoạch điện VIII quốc gia; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; thành lập một số khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trong Khu kinh tế Thái Bình; tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tỉnh cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ người có công về nhà ở; cho phép tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham gia ý kiến về những nội dung tỉnh Thái Bình báo cáo, đề xuất, kiến nghị. Cơ bản các ý kiến đều thống nhất với nội dung tỉnh báo cáo và cho rằng những đề xuất, kiến nghị của tỉnh đều thiết thực, phù hợp, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bứt phá và bảo đảm công tác an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong khó khăn đã vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng cho rằng, các tỉnh có mạnh thì trung ương mới mạnh, cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường. Thái Bình có đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo và khát vọng đổi mới, phát triển; người dân giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và cũng rất cần cù, năng động, sáng tạo, dân trí cao là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Để phát huy truyền thống, kinh nghiệm, tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người Thái Bình, Thủ tướng đề nghị: Thái Bình cần khắc phục một số hạn chế như quy mô nền kinh tế nhỏ; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa cao; thu hút đầu tư nước ngoài thấp, chưa có những đại dự án tạo sự bứt phá kinh tế cho tỉnh... Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh phải tìm ra hướng đi cho kinh tế - xã hội của tỉnh tăng tốc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở: Trước mắt, Thái Bình cần tập trung đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Là tỉnh dân số chủ yếu là nông dân, Thái Bình cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân; đặc biệt, tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Cùng với phát triển công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, tỉnh cần phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư tốt hơn trong những năm tới. Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để tình huống đột xuất, bất ngờ trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Đối với các nội dung tỉnh đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép kết nối hệ thống giao thông theo đề xuất của tỉnh; các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Thái Bình thực hiện công tác quy hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Thủ tướng đồng ý và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu và hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt thành lập các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, giúp tỉnh có căn cứ đầu tư và thu hút đầu tư. Thủ tướng cũng đồng ý nguyên tắc chung quy hoạch thực hiện một số công trình, dự án phục vụ phát triển Khu kinh tế Thái Bình. Nhất trí với đề xuất của tỉnh về việc bổ sung vào quy hoạch điện VIII các quy hoạch điện gió, điện khí giúp bảo đảm nguồn năng lượng cho Thái Bình phát triển công nghiệp và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, phải phấn đấu hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động trong năm 2021 - 2022. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Thái Bình rà soát các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tỉnh chăm lo đời sống người có công, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng tỉnh Thái Bình thúc đẩy, sớm hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thay mặt Đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hứa nghiêm túc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ Thủ tướng đã giao.

Khắc Duẩn

Ảnh: Thành Tâm