Thứ 4, 24/07/2024, 20:24[GMT+7]

Gần 76,5 triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, châu Âu vẫn đang là tâm dịch

Chủ nhật, 20/12/2020 | 20:04:20
1,286 lượt xem
Thế giới đã ghi nhận thêm gần 717 nghìn ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu lên gần 76,5 triệu ca.

Italy sẽ đặt trong tình trạng là "vùng đỏ" dịp Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021. Ảnh: Reuters

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 320.845 ca tử vong trong tổng số 17.889.578 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 145.186 ca tử vong trong số 10.006.630 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 185.687 ca tử vong trong số 7.163.912 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 159 người tử vong. Tiếp đến là Italy và Peru (với 112 người) và Slovenia (109 người).

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 23,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 510.300 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latin và Caribe, với hơn 482.000 ca tử vong trong hơn 14,5 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 327.600 ca tử vong trong hơn 17,9 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 209.500 ca tử vong trong hơn 13,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 86.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 58.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 943 người.

Tại châu Đại Dương, khoảng 250.000 người dân sống ở khu vực ven biển phía Bắc Sydney - thành phố đông dân nhất Australia - đã được đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 19/12 cho đến hết ngày 23/12. Đây là một biện pháp mạnh tay mà giới chức sở tại áp đặt nhằm kiểm soát ổ dịch COVID-19, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra toàn thành phố. Ngày 20/12, chính quyền sẽ quyết định có cần phong tỏa toàn bộ thành phố này hay không. Ổ dịch ở các bãi biển phía Bắc Sydney giờ đã ghi nhận 39 ca nhiễm, trong khi hai ca khác đang được điều tra. Cách đây hai ngày con số này chỉ là 5 ca. Tuy nhiên, chính quyền chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như nguồn gốc virus.

Gần 76,5 triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, châu Âu vẫn đang là tâm dịch - Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) kêu gọi xem nghèo đói là ưu tiên giải quyết sau COVID-19 - Ảnh: Reuters

Tại châu Mỹ, các phòng cấp cứu và hồi sức tích cực ở bang California (Mỹ) đang rơi vào cảnh quá tải với số bệnh nhân nhập viện liên tục gia tăng. Theo Cơ quan Y tế công cộng California, tính đến ngày 18/12, chỉ có khoảng 1.200 giường tại các khoa chăm sóc tích cực ở bang này còn trống, tương đương 2,1% tổng số. Một số bệnh viện thậm chí còn phải lập lều trại trong khuôn viên để điều trị bệnh nhân giữa thời tiết giá rét. Khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện ở phía Nam California, trong đó có thành phố Los Angeles, gần như đã kín chỗ. Trong khi đó, số liệu công bố ngày 17/12 cho thấy thêm 41.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và 300 người tử vong.

Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo López-Gatell thông báo từ ngày 19/12 đến ngày 10/1/2021, khu đô thị Thung lũng Mexico, bao gồm thủ đô Mexico City và một số quận thuộc các bang Estado de Mexico sẽ áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội. Bộ Y tế Mexico đã công bố các biện pháp siết chặt phòng dịch như tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở không thiết yếu như nhà hàng, phòng tập gym và các điểm vui chơi công cộng. Hiện Mexico có gần 1,3 triệu ca mắc COVID-19 và 117.000 ca tử vong, trong đó khu đô thị Thung lũng Mexico chiếm tới 30%.

Nhà chức trách Peru cho biết sẽ triển khai binh sĩ giám sát việc thực thi lệnh hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh và Năm mới nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan. Các phương tiện cơ giới cá nhân sẽ bị cấm lưu thông trong các ngày 24, 25, 31/12 và 1/1/2021. Cảnh sát và binh sĩ sẽ được bố trí tại các chốt trực chiến lược để thực thi lệnh này. Theo Bộ Y tế Peru, đến nay nước này phát hiện hơn 991.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 36.900 ca tử vong.

Gần 76,5 triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, châu Âu vẫn đang là tâm dịch - Ảnh 2.

Những phụ nữ Dhaka, Bangladesh đến nhận hỗ trợ trong dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, các nhà du hành vũ trụ của Nga và nhân viên ngành này đã bắt đầu được tiêm phòng virus SARS-CoV-2. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết hai nhà du hành vũ trụ Nikolai Chub và Oleg Artemyev, từng làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đã được tiêm mũi đầu tiên trong hai mũi vaccine Sputnik V. Đầu tháng này, Nga cũng đã tiêm vaccine Sputnik V cho đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch tại thủ đô và hơn 200.000 người đã được tiêm.

Italy - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 - cũng sẽ áp dụng các lệnh hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới. Theo đó, các cửa hàng, nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi lại giữa các vùng trong cả nước, cũng như đi ra nước ngoài. Cũng tương tự, nước Áo sẽ bắt đầu bước vào đợt phong tỏa thứ ba kể từ ngày 26/12 đến 24/1/2021 để hạn chế chuỗi lây lan của dịch bệnh.

Báo Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã triệu tập một cuộc họp đột xuất với các bộ trưởng nước này để thảo luận cách ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở vùng England. Theo báo trên, các biện pháp khẩn cấp siết chặt phòng dịch có thể sẽ được công bố sớm nhất trong ngày 19/12, trong đó có hạn chế đi lại giữa khu vực Đông Nam vùng England, bao gồm cả London và các khu vực còn lại trên cả nước. Tuy nhiên, hiện người phát ngôn của Thủ tướng Johnson chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Tại Nam Phi, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zwelini Mkhize cho biết thông tin chi tiết về biến thể 501.V2 đã được gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu Nam Phi đã giải mã trình tự gene của hàng trăm mẫu virus SARS-CoV-2, qua đó nhận thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của một biến thể trong các mẫu virus thu thập trong hai tháng qua. Tính đến nay, nước này ghi nhận gần 25.000 ca tử vong trong số hơn 900.000 ca mắc bệnh.

Theo vtv.vn