Thứ 6, 26/04/2024, 23:45[GMT+7]

Sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí đa phương tiện

Thứ 5, 24/12/2020 | 15:09:00
61,200 lượt xem
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng đa phương tiện (ĐPT) trong báo chí truyền thông ngày càng phổ biến. Sản phẩm báo chí truyền thông của nhiều cơ quan báo chí đã và đang từng bước đi theo hướng truyền thông ĐPT, tức là sử dụng nhiều phương thức truyền tải thông tin tích hợp, bổ trợ lẫn nhau trong cùng một sản phẩm báo chí của báo mạng điện tử, tạo nên tính hấp dẫn, khách quan, chân thực hơn và dễ hiểu hơn.

Nhóm tác giả bài viết ““Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang” tác nghiệp.

Nhìn từ tác phẩm đoạt giải…

Năm 2019 và 2020, Báo Thái Bình đều đoạt giải cao ở loại hình ĐPT: tác phẩm loạt 5 kỳ “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang” giải C Báo chí Quốc gia; loạt bài 4 kỳ “Phá thế ốc đảo” giải Nhì toàn quốc “Báo chí viết về ngành Giao thông vận tải lần thứ I năm 2019-2020”; tác phẩm “Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình - Điều hành ngân sách minh bạch, linh hoạt, hiệu quả” giải B Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính…

Để tạo dấu ấn cho tác phẩm, ngoài đề tài “đắt” có tính phát hiện và nội dung có tính phản biện cao thì cách chuyển tải thông tin cũng là vấn đề được nhóm tác giả chú trọng. Việc thực hiện tác phẩm ĐPT đã phát huy tối đa vai trò truyền tải thông tin sống động và hấp dẫn. Các tác phẩm đều thu hút bạn đọc bằng câu chuyện “người thực việc thực” với những chi tiết rất riêng chỉ có ở Thái Bình. 

Nhà báo Nguyễn Hình, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính đại diện cho nhóm tác giả bài viết “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang” chia sẻ: Chúng tôi lựa chọn loại hình báo chí ĐPT cho tác phẩm bởi đây là xu thế phát triển tất yếu của báo chí hiện đại. Trong thời đại công nghệ số, độc giả hiện nay không chỉ đọc báo mà xem báo, cái điện thoại sẽ là vật bất ly thân của nhiều người và họ có thể đọc báo, xem báo trên điện thoại ở bất kỳ đâu mà không cần phải mang theo tờ báo in. Vì vậy, tác phẩm ĐPT lột tả rõ và chân thực nhất thực tế tình trạng nông dân bỏ ruộng cũng như những trăn trở và giải pháp của từng địa phương. Chúng tôi không chỉ đơn giản dùng những con chữ, số liệu mà trong tác phẩm đã tích hợp thêm nhiều hình ảnh, phỏng vấn hiện trường, thông tin đồ họa … với một cách trình bày ấn tượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. 

Còn nhà báo Minh Nguyệt, phóng viên (PV) Phòng Kinh tế đại diện cho nhóm tác giả 4 kỳ “Phá thế ốc đảo” cho biết: Chúng tôi lựa chọn thực hiện loại hình ĐPT vì tác phẩm phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông bao gồm văn bản, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, đồ họa, âm thanh, video. Cũng có nghĩa phát huy tối đa trong làm việc nhóm, ai mạnh ở việc nào thì chọn phần việc đó. Ví dụ: khi nhóm thực hiện kỳ 3 của tác phẩm với tiêu đề “Nối dài những bờ vui”, trong phần “Đột phá những cây cầu” bản thân tôi đã nghĩ là phải thực hiện clip để phản ánh, song để có clip flycam 7 cây cầu ghép vào lột tả tối đa tính chân thực và sống động như trong tác phẩm thì lại trưng dụng ý tưởng cũng như quay phim của các thành viên khác trong nhóm. Qua đây tôi muốn chia sẻ đó là làm việc nhóm rất hiệu quả để thực hiện tác phẩm báo chí ĐPT bởi mỗi thành viên được học ở nhau rất nhiều, từ chuyên môn đến xử lý tình huống phát sinh khi tác nghiệp ngoài thực địa. Đặc biệt khi làm việc nhóm đã giúp cho mỗi phóng viên đề cao tinh thần tập thể và làm cho mình trở nên có trách nhiệm hơn.  

 Khóa bồi dưỡng kỹ năng làm báo đa phương tiện do Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức

… Đến trăn trở cho việc tác nghiệp

Hiện nay, Báo Thái Bình đã tích hợp các loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo mạng điện tử, báo phát thanh. Sản phẩm Báo Thái Bình điện tử (http://baothaibinh.com.vn) là sản phẩm truyền thông số tùy biến cho các thiết bị tiếp nhận thông tin như: máy tính, thiết bị di động, thiết bị thông minh…Để tích hợp đa loại hình sản phẩm truyền thông – báo chí trong một tòa soạn, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở ban ngành có liên quan Báo Thái Bình đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị: camera, hệ thống studio và xử lý tín hiệu (backgrud key, hệ thống trường quay ảo… ); hệ thống tín hiệu (chuyển mạch, màn hình kiểm tra, nhắc lời…); công nghệ phát sóng và đồ họa tự động, truyền hình trực tuyến trên website, mạng xã hội, truyền hình tương tác; các hệ thống video wall, Intercom làm truyền hình trực tiếp, máy dựng phim và sản xuất tin, bài; giao diện Video - Clip và Phát thanh trên Báo Điện tử… Nhờ đó các tin, bài, phóng sự ngày càng hấp hấp, sản phẩm Báo Thái Bình không chỉ đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo đảng mà còn đáp ứng thị hiếu của công chúng. Đến nay, Báo Thái Bình điện tử có trên 150 nước và vùng lãnh thổ với gần 180 triệu lượt người truy cập; năm 2019 và 2020 Báo Thái Bình điện tử đã truyền hình trực tuyến gần 20 chương trình. 

Mặc dù Báo Thái Bình đã chuyển mình vươn khỏi giới hạn của một tờ báo in truyền thống để bắt nhịp xu hướng truyền thông hiện đại, tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó khăn, số lượng tác phẩm ĐPT còn ít. Báo Thái Bình điện tử đang trong lộ trình nâng cấp, cùng với tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì việc đào tạo đội ngũ PV cũng đang được chú trọng. Mỗi PV cũng không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ. 

Nhà báo Nguyễn Hình cho biết: Để thực hiện được tác phẩm báo chí ĐPT mất rất nhiều công sức, thời gian đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tác giả hoặc nhóm tác giả không chỉ đầu tư trí tuệ, công sức cho phần nội dung mà phải am hiểu về công nghệ, thậm chí tác giả cùng một lúc phải thực hiện nhiều kỹ năng như viết, chụp ảnh, quay phim… Mặc dù thời gian qua, bản thân tôi cũng như các phóng viên Báo Thái Bình đã được tham dự các lớp tập huấn do Hội Nhà báo Thái Bình phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, tuy nhiên chưa nhiều. Trước sự phát triển của báo chí ĐPT, những người làm báo địa phương cần không ngừng nỗ lực trao dồi kiến thức để bắt kịp xu thế. 

“Phóng viên vừa quay phim, vừa khai thác thu thập số liệu, chụp ảnh… khi về vừa phải viết bài cho báo in, vừa phải làm hậu kỳ dàn dựng, lồng ghép âm thanh, dựng clip quả thực rất áp lực. Nhưng như tôi đã chia sẻ nếu khai thác tối đa hiệu quả của làm việc nhóm sẽ khắc phục được khó khăn. Tuy nhiên thực tế nhiều khi làm việc nhóm chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi chỉ cần một thành viên trệch khỏi hướng đi chung thì khó có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất”- Nhà báo Minh Nguyệt cho biết.

Ngày nay, nhà báo không chỉ cần có phẩm chất chính trị vững vàng; đạo đức trong sáng; có phông kiến thức văn hóa - xã hội sâu rộng; có tay nghề cao, chuyên nghiệp, mà còn phải làm chủ công nghệ, thiết bị kỹ thuật và có kỷ luật trong nghề. Vì vậy các phóng viên, hội viên Hội Nhà báo Thái Bình mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ để có thể tích hợp được các kỹ năng ĐPT phục vụ tốt nghề nghiệp của mình.

Kim Thoa