Thứ 6, 24/01/2025, 04:09[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về việc giải quyết chế độ đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học

Thứ 5, 24/12/2020 | 16:05:43
9,348 lượt xem
Sáng ngày 24/12, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về rà soát, xử lý, giải quyết các trường hợp hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH).

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Audio: 2512_uBNDtinh_chat_doc_hoa_hoc_mixdown.mp3

Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố.

Những năm qua, việc chăm lo cho người có công với cách mạng trong đó có thực hiện chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình thường xuyên quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn những hạn chế như: Một số trường hợp hưởng chính sách nhưng hồ sơ chưa bảo đảm về giấy tờ chứng minh người HĐKC đã tham gia công tác, chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam từ ngày 1/8/1961 – 30/4/1975, trường hợp hưởng chính sách đối với con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH nhưng không mắc dị dạng, dị tật theo quy định, vẫn còn khả năng lao động…

Thực hiện các kết luận thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Kết luận số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đề ra thời hạn hết năm 2020 sẽ rà soát xong hồ sơ hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, hồ sơ bổ sung mới để xác định các trường hợp hưởng chế độ chính sách chưa đảm bảo quy định. Hết tháng 1/2021 sẽ hoàn thành thực chứng phúc quyết để kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng dị tật của con đẻ người HĐKC. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát 19.093 hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH lập từ năm 2000 - 2009. Qua rà soát, đã dừng trợ cấp 354 trường hợp không bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường. Có 235 trường hợp đã mất, còn 119 trường hợp đình chỉ thực hiện chính sách từ ngày 1/8/2018, ban hành quyết định thu hồi và đôn đốc thu hồi số tiền đã hưởng sai quy định. Bên cạnh đó, rà soát, thực chứng xác định 519 trường hợp hưởng chính sách không đúng quy định trong đó 171 trường hợp đã mất đề nghị miễn thu hồi, còn lại đã ra quyết định đình chỉ trợ cấp từ 1/8/2018. Ngoài ra, còn thực hiện rà soát các trường hợp con đẻ mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh làm điều kiện để bố mẹ đẻ hưởng chính sách, đề nghị miễn xem xét, xử lý các trường hợp người HĐKC đã mất, ra quyết định đình chỉ thực hiện chính sách các trường hợp con đẻ người HĐKC không mắc dị dạng dị tật bẩm sinh và trường hợp giám định không đạt yêu cầu và không hoàn thiện hồ sơ giám định.

Các đại biểu dự hội nghị. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung tham mưu các giải pháp để việc rà soát, xử lý, giải quyết các trường hợp hưởng chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định của pháp luật và các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, dứt khoát, dứt điểm, không né tránh những vấn đề Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời những nội dung trong các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Kết luận số 03 ngày 1/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các văn bản của UBND tỉnh. Tập trung tuyên truyền để người HĐKC bị nhiễm CĐHH khi bị dừng việc chi trả đồng thuận và hiểu được đây là việc phải làm theo đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền phải có hình thức phù hợp, đúng với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp nhằm tạo sự chia sẻ, đồng thuận của người bị dừng chi trả, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến xã do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng thành viên. Tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân. Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, phải khẩn trương rà soát dứt điểm các trường hợp dừng chi trả, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả rà soát. Xem xét, tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của người bị dừng chi trả, tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại tố cáo của nhân dân. Các cấp Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Hội Thanh niên xung phong tích cực vận động, tuyên truyền, giải thích để các hội viên hiểu, chấp hành, đồng thuận với việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công an tỉnh thường xuyên nắm bắt diễn biến, tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo người dân. Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện nội dung các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.  

Thu Hoài