Thứ 7, 23/11/2024, 16:00[GMT+7]

Cựu chiến binh huyện Quỳnh Phụ: Đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò thương phẩm

Thứ 6, 25/12/2020 | 08:38:23
1,673 lượt xem
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quỳnh Phụ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, máy móc vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình của CCB Vũ Như Khoa (người bên phải) thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Gia đình CCB Nguyễn Thị Thao, thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa đã nuôi bò được hơn 10 năm nay. 2 năm trở lại đây khi đàn bò của gia đình bà phát triển khỏe mạnh, nhanh cho xuất bán, bà Thao mới thấy được hiệu quả rõ rệt từ việc tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội CCB xã phối hợp tổ chức. Bà Thao chia sẻ: Từ khi Hội CCB xã phối hợp mở lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, biết cách nhận biết và phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi và lựa chọn thức ăn cho đàn bò nên hiệu quả chăn nuôi tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2019 tôi xuất bán đàn bò được hơn 100 triệu đồng thì cùng số lượng đó năm 2020 thu nhập đã tăng lên 120 triệu đồng. Hiện nay gia đình tôi đang nuôi 11 con bò 3B, bò Brahman, từ nay đến cuối năm xuất bán thêm thì thu nhập còn tăng hơn nữa.

Cũng tại xã Quỳnh Hoa, gia đình CCB Vũ Như Khoa, thôn Đà Thôn hiện nuôi 11 con trâu, 9 con bò. CCB Vũ Như Khoa cho biết: Từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò thương phẩm nhằm thay thế đàn lợn bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn để mua bò về nuôi. Hiện nay, tôi tận dụng cỏ, thân cây ngô để làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Tôi còn chăn nuôi gà, cá truyền thống, trồng cây ăn quả; sau khi trừ chi phí mô hình đem về cho gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, trong đó thu từ đàn trâu, bò chiếm 2/3. Ngoài ra tôi còn có nguồn thu từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng nhờ bán phân chuồng hoai mục.

Còn tại xã Quỳnh Khê, gia đình CCB Nguyễn Thị Sánh là một trong những hộ nuôi bò nhiều nhất xã, thời gian cao điểm nuôi gần 20 con bò thịt, bò sinh sản. Bà Sánh chia sẻ: Trước kia tôi chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống là thả rông cho đàn bò tự ăn nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Từ khi tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi trâu, bò, tôi đã đầu tư chuồng trại rộng hơn 200m2, có khu vực chứa cỏ, sử dụng đệm lót sinh học giúp môi trường nuôi nhốt luôn được thoáng mát, không có mùi hôi, hiệu quả chăn nuôi tăng lên đáng kể. Với mỗi con bò xuất bán có thể thu lời từ 15 - 20 triệu đồng. Năm 2019, tôi xuất bán 5 con, thu gần 90 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Quỳnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Phụ cho biết: Những năm qua, phát huy lợi thế của địa phương, CCB huyện Quỳnh Phụ đã mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Việc chăn nuôi chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ, chăn thả truyền thống sang đầu tư chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Hiện nay, toàn hội có 497 gia đình CCB chăn nuôi trâu, bò với tổng số hơn 1.100 con. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Hội CCB huyện triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong những năm tiếp theo. Hội CCB huyện đã quán triệt, triển khai Nghị quyết đến từng cấp hội, chú trọng tập huấn kiến thức  để nâng cao hiệu quả chăn nuôi; vận động hội viên giữ vệ sinh chuồng trại, bảo đảm môi trường nuôi. Nhiều tổ chức hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên xây bể chứa chất thải, tận dụng chất thải từ chăn nuôi làm phân bón hoặc đem bán để tăng thu nhập. Ngoài ra, Hội CCB huyện lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm của hội viên CCB Vũ Đình Trường, xã An Tràng và mô hình của hội viên Nguyễn Quang Tiệp, xã Quỳnh Giao để tổ chức cho hội viên đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Từ nay đến năm 2025, Hội CCB huyện Quỳnh Phụ phấn đấu xây dựng trên 5 mô hình gia đình CCB chăn nuôi trâu, bò có quy mô chăn nuôi từ 30 con trở lên; từng bước vận động hội viên tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi; chủ động phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tìm đầu ra, giúp hội viên yên tâm sản xuất. Hội CCB huyện sẽ chủ động nghiên cứu, tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh và các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội viên CCB được vay vốn.

Ông Nguyễn Quốc Quỳnh 
(Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Phụ)

Tiến Đạt