Thứ 4, 15/01/2025, 23:13[GMT+7]

Thanh Hoá: Xây dựng nông thôn mới trên chặng đường mới

Thứ 6, 25/12/2020 | 09:53:57
2,183 lượt xem
Đến cuối năm 2020, Thanh Hóa có 8 huyện và 330 xã nông thôn mới, 18 xã nông thôn mới nâng cao và nếu xã Đông Văn, huyện Đông Sơn được công nhận trong những ngày sắp tới, Thanh Hóa sẽ có xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, năm 2020 bình quân toàn tỉnh đã đạt 17,5 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng 0,5 tiêu chí so với năm 2019.

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự chỉ đạo sát sao, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để công tác xây dựng nông thôn mới đi đúng định hướng, đạt hiệu quả.

Cùng với đó, ý thức được lợi ích do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, các địa phương đã tích cực vào cuộc, “khơi thông” nguồn kinh phí và đất đai, thúc đẩy lao động để xây dựng hạ tầng. Đó là nguồn lực quan trọng giúp diện mạo nông thôn Thanh Hóa thay đổi căn bản sau 10 năm xây dựng.

Giai đoạn 2021-2025 Thanh Hóa đặt ra mục tiêu cao hơn, khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định, đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã.

Để đạt được mục tiêu này, nhất là tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân trong huy động nguồn kinh phí cũng như quản lý, vận hành...

Xây dựng nông thôn mới là phục vụ trực tiếp cho người dân nông thôn và chủ yếu phải từ nguồn lực tại chỗ. Thực tế cho thấy nguồn lực từ Nhân dân là rất quan trọng và cũng hết sức tiềm năng, nhưng lại đòi hỏi cách làm phải phù hợp để người dân tin tưởng, chia sẻ, thì mới có thể dễ dàng “khơi thông”.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, căn cứ thực tế địa phương, mỗi xã cần lập kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể trong huy động nguồn lực cho cả giai đoạn.

Cách làm mà lâu nay nhiều địa phương đã thực hiện như huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, hỗ trợ từ doanh nghiệp trên địa bàn, kêu gọi con em xa quê hỗ trợ cần tiếp tục được phát huy và ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế quản lý, thực hiện giám sát minh bạch, để tạo niềm tin cho người tài trợ.

Ở những địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cần tuyên truyền để người dân biết rõ các tiêu chí mới là gì, nguồn kinh phí đòi hỏi ra sao, để người dân cùng chia sẻ, đồng hành.

Phải xác định xây dựng nông thôn mới là mục tiêu không có điểm dừng nên việc huy động các nguồn lực cũng cần lâu dài, thận trọng, không nóng vội, gây ồn ào, tai tiếng, ảnh hưởng đến phong trào chung. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện.

Làm đúng, làm chắc các yêu cầu này chúng ta sẽ cán đích những con số về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới như đã đặt ra.

Theo baothanhhoa.vn