Chủ nhật, 22/12/2024, 18:41[GMT+7]

Đọc “Gió Thượng Phùng ”

Thứ 2, 28/12/2020 | 09:05:04
50,966 lượt xem

Tôi thật sự hồi hộp, bởi trước đó vài năm nhà văn Võ Bá Cường có nói: “Mình đang viết tiểu thuyết về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”. Tôi mừng vì mình cũng từng gần 9 năm lăn lộn, khổ ải tham chiến ở vùng biên giới Vị Xuyên, Hà Giang nên rất tò mò muốn được thấy những gì ông viết, được sống lại người lính trận mạc năm nào.

Nhà văn Võ Bá Cường viết khỏe, mảng nào, thể loại nào cũng gặt hái thành công, gây được ấn tượng. Viết “Gió Thượng Phùng” ông rất chịu “cắm bản”. Nhưng tôi lo ở ông không là lính, lại sống ở đồng bằng, mà dải biên cương phía Bắc toàn là núi, là rừng, là suối, là tầng sâu văn hóa ở những dân tộc ít người, họ sống khá khu biệt. Động vào đâu dễ. Thoáng nghĩ thế, lại được đọc “lời thưa” của ông: “Nói tới biên giới là nói tới sự nhạy cảm các nước. Viết đâu dễ”. Thực sự “viết đâu dễ” đã trở thành cái “khó kép” đối với ông.

 “Viết đâu dễ”. Từ cái tâm, cái tầm của nhà văn, ông đã thành công trong tiểu thuyết này. Ông muốn “Qua trang viết đem lại cho con người các dân tộc anh em được sống bình yên với tâm hồn vô tư trong sáng”. Đấy là khát vọng và lý tưởng của dân tộc Việt.

Cuộc chiến 10 năm biên giới Hà Giang đã cho ông chọn lựa “mảnh đất Thượng Phùng để cắm bản”. Ông lấy tên vùng Cương Thổ “Thượng Phùng” đặt tên cho tiểu thuyết của mình. Rõ là “người thực, việc thực”, hồn cốt truyện, nhân vật, sự kiện, là cái xóm Mỏ Phàng, bên mình và xóm Răng Ngựa bên “người hàng xóm”.

Cuộc sống thanh bình, người hai xóm Mỏ Phàng và Răng Ngựa sống đầm ấm, ăn chung cỗ đám cưới, uống rượu ngày giỗ tết, không hề cách biệt giữa hai dân tộc, hai nước.

Sản vật quý “cỏ chi” của xóm Răng Ngựa trải ổ nằm ấm êm, có hương vị đặc biệt; bên Mỏ Phàng có hoa tam giác mạch nuôi sống được con người. Hoa cỏ hai nước đều thân thiện yêu thương mảnh đất hai dân tộc đang sống… Máy Mỷ được sinh ra trong mối quan hệ hai xóm, giữa hai họ Chảo A Nghì và Lý Lô, tuy không ruột già nhưng ăn chung “giàn đỗ hai nhà”. Ta cảm câu nói “núi liền núi, sông liền sông” là vậy.

Biến cố xảy ra, dân hai xóm Răng Ngựa và Mỏ Phàng ngơ ngác, đang bền chặt, kết gắn bỗng trở thành xa lạ, thù địch. Đau thương, mất mát ập đến. Họ trở thành nạn nhân của tội ác xâm lược. Câu nói của Dống Sò dân Mỏ Phàng: “Bỏ chạy là tự bước tới giá treo cổ”. Quyết liệt hơn: “Chiến tranh, bố sẽ chôn con trai và ngược lại, hòa bình con trai được chôn bố”(trang 100). Hình ảnh Máy Mỷ là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh: “Muốn giữ nhà phải có khẩu súng. Muốn giữ mình phải có chí khí” (trang 201). Trong thời khắc cam go, ác liệt, trong xóm có người bị người hàng xóm sát hại, dân xóm hoang mang, lo sợ chạy vào hang núi, Máy Mỷ xuất hiện… “Người Mông không bao giờ hèn nhát bỏ nhà, bỏ đất mà đi. Mọi người đoàn kết như đàn lợn ăn chung  máng, kẻ thù nào cũng sợ”. (Trang 75). “Nhà ta, ta ở. Đất của ta, ta cấy. Sao Lại bỏ chạy?” (Trang 77). Trở thành phương châm sống, phương châm hành động của dân Mỏ Phàng. Đó là khí phách của người Việt..

Không gian tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” nơi có cao nguyên đá đẹp kỳ lạ. Con sông Nho Quế như dải khăn lanh trắng. Sắc hoa tam giác mạch trải dài thung lũng. Tam giác mạch còn là kho báu lương thực nuôi sống những con dân xứ sở. Con mắt nhà văn đã “đời sống hóa, linh thiêng hóa” và chỉ ra sức sống, tiềm tàng máu thịt của đất đai, thổ nhưỡng, sản vật hình thành nên đặc trưng, tính cách con người nơi đây: “Nếu không có cây tống quả sủ, cây đào quý châu, cây mận trắng thì con người ở đây sống cô độc biết bao. Mỗi ngọn núi, mỗi căn nhà, mỗi mảng tường xếp đá, mỗi mảnh ruộng bậc thang, mỗi mùa hoa tam giác mạch nó có diện mạo riêng ẩn chứa tâm hồn Việt. “Làng còn thì nước còn” (trang 48).

Nói đến Hà Giang là nói đến đá. Đá nằm, đá ngồi, đá đứng, đá làm lên cao nguyên. Biểu tượng đá trong tiểu thuyết này được khắc họa qua nhân vật Chảo A Nghì. Bố ông đưa ông đến một hòn đá bên suối gần nhà, ông nói với Chảo A Nghì: “…Đã lâu lắm rồi. Bố đã chọn lựa hòn đá này làm lễ tế thần kêu hồn đá cho A Nghì nhận làm “bố nuôi”. “Bố nuôi” mang linh hồn đá ứng nghiệm vào con. Cho con mau lớn, bảy tuổi biết đi nương, xếp đá, mười tuổi học chữ Mông giỏi, trồng ngô ngô tốt, trồng rau rau xanh, tự làm tự ăn. Trên lưng biết cõng cỏ nuôi trâu, nuôi ngựa, biết cõng nước từ sông Nho Quế về̀ cho mẹ. (Trang 164). Rồi: Hàng ngày Chảo A Nghì ra đó thổi khèn cho “bố nuôi” nghe. Ngày ông bị kẻ xấu bên “hàng xóm” giết hại. Ông chết ôm tảng đá “ bố nuôi” trước lúc nhắm mắt. Người Mông sống trên đá, chết trên đá là vậy. Đá làm nên quê hương. Thủ pháp sông núi hóa nhân vật, nhân vật hóa sông núi được nhà văn triển khai tối đa, đạt đến chiều sâu triết lý.

Cuộc đấu lý của dân bản Mỏ Phàng mà đại diện là Dống Sò, ông như cây lớn của dân xóm Mỏ Phàng, với đám người tự xưng là đạo sĩ bên “hàng xóm”, biểu trưng cho trên bàn đàm phán, thương thảo, đánh và đàm. Hình thái chiến tranh, sách lược, mưu lược được thu gọn trong từng chương, từng chi tiết...  

Tiểu thuyết không đi sâu vào những trận đánh, vào những binh đoàn chủ lực với trang thiết bị hiện đại, lối đánh hiện đại. Nhà văn chỉ dựng lại trong không gian làng bản, với những con người dân dã, bám đất, bám bản, sống chết ở nơi mình sinh ra: Có cách đánh du kích, có vũ khí thô sơ tự chế, bất ngờ và hiệu quả. Rồi súng cối, súng B40, trung liên, đại liên trong tay những người dân bản. Có hợp đồng tác chiến với bộ đội biên phòng, các tổ, các bản, các điểm chốt, ngang dọc chiến hào. Thế là hiện đại rồi. Thứ hiện đại tổng  hợp của “chiến tranh nhân dân”. Viết về đề tài chiến tranh, nhà văn chỉ dựng lên một trận đánh, một trận đánh thôi nhưng người đọc được thấy cả một không khí chiến tranh tàn khốc, quyết liệt thế nào. Sự thông minh, sáng tạo trong chiến đấu, trong ứng xử đối với “người hàng xóm” ra sao là cả một câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Qua cách đối đáp, tranh luận của dân bản với “người hàng xóm”, nhà văn đưa ta về nơi nguồn gốc tổ tiên, dân tộc, vùng đất, vùng miền, lịch sử, tầng sâu văn hóa Việt; nó không còn là cái riêng của người dân tộc Mông nơi biên ải.

Chương 16: “Mùa hoa tam giác mạch”, nói về trận đánh lớn, quyết liệt. Cuối cùng thắng lợi thuộc về nhân dân xóm Mỏ Phàng. Máy Mỷ bắt được tên tướng Voòng Xình. Voòng Xình tâm phục, khẩu phục, gọi Máy Mỷ là nữ tướng: “Cô là ánh trăng. Tôi như bóng tối. Ánh sáng làm tan loãng bóng tối, trùm lớp bóng tối” (trang 204). Một truyền thống nhân văn, nhân ái mà ông cha ta ngàn năm vẫn thường làm với kẻ thù khi chúng ngã ngựa. Đó chẳng phải là khát vọng hòa bình, khát khao vươn tới đó sao: “Chết là điều không khó. Nhưng làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn mới khó (trang 210). Vậy mà chiến sự vẫn không ngừng. Tội ác vẫn không dừng. “Người hàng xóm” vẫn xua dân, xua quân sang lấn đất, giết người. Máu lại đổ. Những đứa con yêu quý của hai bà mẹ vùng biên A Thàng và Lý Chi ngã xuống. Nỗi đau tang tóc tột cùng trút xuống hai bà mẹ. Chiếc nhẫn cưới còn đó mà Lý Chi chưa kịp trao cho Máy Mỷ còn trong lòng người mẹ Lý Chi. Truyện đẩy đến cao trào, đỉnh điểm của mâu thuẫn, ngột ngạt và bế tắc. Nhưng chính hai bà mẹ lại là hạt nhân xóa bỏ hận thù, họ là hiện thân của tạo hóa, của đấng cứu thế, là những quan tòa đứng trước cuộc chiến. Từ trong đêm đen họ như ánh sáng dẫn những kẻ lầm lỗi trở về. Nhà văn gửi gắm ý tưởng: “Đem lại cho con người các dân tộc anh em được sống yên bình với tâm hồn vô tư, trong sáng”. Ông đã trung thành với tâm nguyện ấy trong từng trang viết. Cái hồn nhiên, vô tư, trong sáng luôn được mô tả, dẫn dắt qua mỗi trang văn, qua mỗi tính cách, hành động của từng nhân vật. Những đặc tính, tâm lý trạng thái văn hóa được phát xuất từ nguồn cội của đất đai, con vật, cỏ cây, khí thiêng sông núi. Cái nền văn hóa ấy tầng tầng lớp lớp, đời nọ tiếp đời kia từ dòng sông Nho Quế, từ tảng đá, thiêng liêng, gắn lời thề non nước của người dân bản.

Truyện khép lại mà mở ra một tương lai tươi đẹp và nhiều triển vọng: “ … Máy Mỷ… đứng dậy. Cô như nghe thấy người Thượng Phùng đang gọi về để bàn việc gieo vãi hoa tam giác mạch và dạy trẻ học”.

Phải nói, “Võ Bá Cường là nhà văn luôn trực diện với vấn đề nóng hổi của dân sinh”.

Đặng Thành Văn

Thành phố Thái Bình