Thứ 6, 24/01/2025, 03:52[GMT+7]

Ngày làm việc thứ hai hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương

Thứ 3, 29/12/2020 | 15:09:32
6,342 lượt xem
Sáng ngày 29/12, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 bước sang ngày làm việc thứ hai.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 31122020_Tin_HOi_nghi_truc_tuyen_2912_mixdown.mp3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

Tham luận tại hội nghị, các bộ trưởng và thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; đồng thời, làm rõ hơn về những đóng góp của các bộ, ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. 

Năm 2020, trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch nhưng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân đạt 6,8%/năm, tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91% - là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Có được kết quả đó là có sự đóng góp tích cực của các bộ, ngành, đã kịp thời tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp huy động tổng lực nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra ở mức cao nhất. 

Lãnh đạo các bộ, ngành và các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 đặc biệt là năm 2020 đã cho thấy những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép” đó là phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nhận định và đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức, cơ hội, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp và đối sách phù hợp; thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu. 

Nhận định năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều thách thức lớn; nhưng lãnh đạo các bộ, ngành cam kết sẽ tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, biến nguy thành cơ, tận dụng hiệu quả các cơ hội để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của ngành cũng như của đất nước.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm, thể hiện tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm cao và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các báo cáo và các dự thảo nghị quyết trình Chính phủ ký ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021. 

Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho địa phương. 

Thủ tướng cũng thống nhất chủ đề năm 2021 đó là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển” với định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức. 

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; bắt tay vào làm việc ngay từ đầu năm, phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển; chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương; chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững đó là kinh tế - xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. 

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán; đồng thời, bày tỏ tin tưởng các bộ, ngành, địa phương nói riêng và đất nước nói chung sẽ thực hiện thành công kế hoạch năm 2021 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025.

Minh Hương