Thứ 2, 29/07/2024, 15:22[GMT+7]

Đông Hưng: Phát triển kinh tế bền vững từ 3 đột phá

Thứ 6, 01/01/2021 | 14:08:03
10,354 lượt xem
Để tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đông Hưng tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hồng xiêm - cây làm giàu của người dân Lô Giang (Đông Hưng).

Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song huyện Đông Hưng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với từng khâu đột phá gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch. Theo đó, huyện thực hiện đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Tăng cường thu hút đầu tư bằng các giải pháp như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, đơn giản hóa và đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Đồng thời, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở cả 2 khu vực là công nghiệp tập trung và hộ gia đình làm nghề. 

Đồng chí Bùi Văn Duyệt, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất; đồng thời, lập quy hoạch chi tiết mở rộng cụm công nghiệp (CCN) Đông Phong, CCN Mê Linh; điều chỉnh quy hoạch chi tiết CCN Nguyên Xá, quy hoạch chi tiết các CCN Phong Châu, Hồng Việt, điều chỉnh quy hoạch CCN Đông Các. Bên cạnh đó, duy trì ổn định sản xuất tại 9 làng nghề, xã nghề và tạo điều kiện phát triển nghề mới phục vụ gia công cho các dự án trong CCN. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong các CCN. Với các giải pháp căn cơ này, năm 2020 Đông Hưng có 10 dự án xin đăng ký đầu tư vào các CCN, trong đó 3 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phát huy lợi thế vị trí trung tâm, tiếp giáp với nhiều huyện, thành phố, Đông Hưng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ ven các tuyến quốc lộ; quy hoạch bổ sung mạng lưới bán buôn, bán lẻ, nhà hàng, siêu thị, các điểm kinh doanh ven các tuyến đường tránh quốc lộ 10, tuyến đường tỉnh và đường huyện. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đông Hưng và vùng phụ cận, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tiên Hưng, thị trấn Đông Quan gắn với điều chỉnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại. Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại một số địa phương có lợi thế; ưu tiên phát triển các chợ đầu mối, chợ trung tâm theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Năm 2020, Đông Hưng tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Huyện đã triển khai xây dựng mới 7 công trình, tiếp tục triển khai thi công và hoàn thiện 6 công trình từ năm 2019 chuyển sang. Tích cực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn đoạn qua địa bàn huyện, góp phần quan trọng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trang trại nuôi bò thương phẩm của anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Để sớm có nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện; thực hiện liên kết trong sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, Đông Hưng đã xây dựng được 31 cánh đồng mẫu với diện tích trên 1.400ha, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm ở 6 xã với diện tích 68ha; có trên 500 tổ chức, cá nhân tích tụ được gần 900ha ruộng đất cấy lúa hàng hóa có liên kết với các doanh nghiệp. Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, vùng sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương như: trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống ở các xã Hồng Việt, Minh Tân, Phú Lương; trồng hồng xiêm ở Lô Giang; trồng mít dai vàng ở Hà Giang; trồng cây vụ đông ở các xã An Châu, Đông Xá, Mê Linh... Đông Hưng cũng đã xây dựng và đề nghị công nhận 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện là bánh cáy Thiên Đức (xã Nguyên Xá) và phát lộc (xã Minh Tân). Các mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung theo chuỗi giá trị đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan, chủ trang trại nuôi bò hiện đại, quy mô lớn nhất huyện Đông Hưng cho biết: Tôi tích tụ 8ha đất cấy lúa kém hiệu quả đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng 3 dãy chuồng hiện đại, lắp hệ thống máng ăn và nước uống liên hoàn. Hiện trang trại đang có trên 130 con bò, bê. Tôi dùng đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường, tự trồng cỏ voi cung cấp thức ăn cho bò và liên kết với các lò mổ cung cấp mỗi năm hàng chục con bò thịt với giá 40 - 50 triệu đồng/con. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư tăng tổng đàn và nâng cao chất lượng đàn bò.

Đồng chí Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 song do thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là 3 đột phá phát triển đã đề ra, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội nên năm 2020 kinh tế của Đông Hưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Tổng giá trị sản xuất tăng 3,24% so với năm 2019. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 3,55%; thương mại, dịch vụ tăng 2,04% so với năm 2019. Tuy các chỉ số ở mức thấp so với cùng kỳ và thấp nhất trong những năm gần đây song trong điều kiện khó khăn kết quả này là nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị. Năm 2021, Đông Hưng vẫn tập trung mọi nguồn lực ưu tiên thực hiện 3 đột phá để phát triển kinh tế bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Thu Hiền