Thứ 2, 22/07/2024, 21:26[GMT+7]

Biến thách thức thành cơ hội

Thứ 7, 02/01/2021 | 16:29:44
2,545 lượt xem
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho ngành Giáo dục khi học sinh cả nước nói chung, học sinh Thái Bình nói riêng phải nghỉ học dài ngày. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm, biến “nguy” thành “cơ”, nhiều đổi mới đã xuất hiện trong toàn ngành. Đây được coi là năm cán bộ, giáo viên, học sinh tận dụng thời cơ để thay đổi chính mình, đưa ngành Giáo dục tỉnh nhà đạt được những kết quả đáng tự hào.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Dũng Nghĩa (Vũ Thư) trong tiết học trên lớp.

Biến “nguy” thành “cơ”

Năm học vừa qua, chưa bao giờ công nghệ lại thể hiện vai trò quan trọng trong dạy học. Nhớ lại thời gian sau khi học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý, tâm thế phấn khởi, tràn đầy quyết tâm của giáo viên, học sinh Thái Bình chỉ được 2 - 3 ngày, bởi sau đó, những công văn cho học sinh nghỉ học do dịch Covid-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo liên tiếp được ban hành. “Tạm dừng đến trường, không ngừng việc học” là giải pháp ngành Giáo dục đưa ra khi thời gian học sinh nghỉ học kéo dài gần 3 tháng. Lần đầu tiên, dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả tỉnh. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của việc dạy học trực tuyến, ngày 16/3, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Các chương trình dạy học trực tuyến được mở rộng từ lớp 5 đến lớp 12, nhiều tiết dạy của các thầy cô được đài truyền hình trung ương phát sóng để học sinh cả nước cùng học tập và nghiên cứu. Với nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ, việc học được duy trì và bảo đảm, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học. Từ cái “nguy” do dịch bệnh, học sinh không thể đến trường, đã biến thành cơ hội để mỗi giáo viên tự đổi mới mình, là thời cơ để ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số.

Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm chất lượng giáo dục được nhiều người nhận định là dấu ấn nổi bật nhất của ngành Giáo dục trong năm học qua. Ông Nguyễn Thanh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình cho rằng: Điều dễ nhận thấy nhất đó là ngành Giáo dục tỉnh ta đã đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, bảo đảm an toàn cho các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên; đồng thời, thực hiện tốt nội dung, chương trình năm học. Thông qua các kênh thông tin đại chúng, tôi được biết trong khó khăn đã xuất hiện nhiều cách làm mới, tấm gương thầy cô giáo sáng tạo, tận tụy, tâm huyết với học trò; những tấm lòng nhân hậu, sẻ chia với đồng nghiệp, với nhân dân gặp khó khăn trong thời gian phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để “không thể dừng việc học” được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngành Giáo dục xác định công nghệ thông tin và tiếng Anh là “chìa khóa” để chuyển đổi số, tạo nên một thế hệ “công dân toàn cầu”. Nếu học sinh, sinh viên được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và thực hành tốt về công nghệ sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tương lai. Từ đó, có thể thấy dạy học online không còn là giải pháp tình thế trong mùa dịch mà được công nhận là phương thức dạy học chính thức trong nhà trường.

Trường Tiểu học và THCS Thụy An (Thái Thụy) thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hoàn thiện thể chế

Trong bối cảnh dịch bệnh, một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội, những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục vẫn được thực hiện bài bản, hiệu quả. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là năm tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đó là việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ do trung ương và địa phương giao. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu vai trò quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trường lớp; chế độ làm việc; chuẩn chức danh nghề nghiệp; xây dựng thang bảng lương mới cho nhà giáo… làm cho hệ thống văn bản quản lý của ngành ngày càng đồng bộ. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công đoàn ngành tham mưu cho tỉnh hỗ trợ đội ngũ giáo viên hợp đồng trong thời gian nghỉ học dài ngày. Đây là căn cứ quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong ngành.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, năm học 2019 - 2020, việc hướng dẫn các đơn vị tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là cố gắng lớn của toàn ngành. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Thái Thụy là huyện đầu tiên tổ chức họp trực tuyến và sinh hoạt chuyên đề từ nhiều năm nay. Nhờ nền tảng này, các nhà trường đã thực hiện tốt việc tập huấn trực tuyến, việc lựa chọn và tổ chức giảng dạy chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Việc tập huấn diễn ra bài bản, nhanh gọn và hiệu quả. Các nhà trường đã lựa chọn được những bộ sách phù hợp với tình hình thực tế nhà trường và địa phương.

Không thuận lợi như huyện Thái Thụy, khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều trường học trên địa bàn huyện Tiền Hải mới bắt đầu tiếp cận với làm việc trực tuyến. Lúc đầu tưởng chừng khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm của toàn ngành, mọi hoạt động diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Ông Lương Chiến Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải chia sẻ: Thời gian dịch bệnh, các chuyên viên của Phòng đều được tăng cường để hỗ trợ tất cả các trường trong việc cài đặt các phần mềm làm việc trực tuyến. Nhờ thế, mọi hoạt động của ngành đều diễn ra theo đúng kế hoạch, đặc biệt là việc lựa chọn và tập huấn chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Bên cạnh cố gắng của toàn ngành là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo ngành, lãnh đạo huyện, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của phụ huynh học sinh giúp ngành Giáo dục vừa hoàn thành chương trình vừa bảo đảm an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Năm học 2019 - 2020 còn là năm đáng chú ý với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đợt 1 của Thái Bình vươn lên vị trí 11 trong cả nước. Những kết quả trên là cơ sở để toàn ngành bước vào năm học 2020 - 2021, tự tin vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày