Chủ nhật, 05/01/2025, 10:38[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công thương

Thứ 6, 08/01/2021 | 07:53:54
1,323 lượt xem
Ngày 7-1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công thương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, ngành Công thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu. Trong đó, ngành đã tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. 

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu ý kiến tại Hội nghị. 

Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận năm năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu, với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức hơn 500 tỷ USD. Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới, với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời dưới tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân. Công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Quang cảnh Hội nghị. 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả quan trọng ngành Công thương đã đạt được trong năm 2020. Ngành Công thương đã làm được nhiều việc, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tập thể Bộ Công thương đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để đạt được những kết quả tốt như vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 dự kiến vẫn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với ngành Công thương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ, hướng tới tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong tất cả các ngành; từ đó, tạo lập hệ thống bộ máy kinh tế hợp lý, ổn định về dài hạn, thúc đẩy phân bổ sử dụng nguồn lực của xã hội chủ yếu theo quy cách của kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp, phát triển các ngành chế biến, chế tạo, giảm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ... Phải dịch chuyển dần từ các ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang các ngành công nghiệp dựa trên sáng tạo, lấy khoa học công nghệ là động lực, nền tảng là cạnh tranh. Mặt khác, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, là trọng tâm trong phát triển ngành, tiếp tục tạo ra thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tốt hơn nữa. Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, bám vào tăng năng suất, áp dụng khoa học công nghệ; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tham gia sâu và có hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách kịp thời và phát triển các thị trường mới; chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu; tập trung phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành hàng, người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung cho xây dựng thương hiệu hàng hóa của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, bước sang năm 2021, xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư vẫn là “cỗ xe tam mã” vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế. Do đó, ngành Công thương cần tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn nữa, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đổi mới, sáng tạo, khát vọng” để phát triển mạnh mẽ trong toàn ngành, góp phầm quan trọng vào phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu:

Trước hết, ngành Công thương cần tiếp tục cụ thể hóa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ; triển khai trên diện rộng đến các ngành, các cấp; đồng thời, tăng chiều sâu trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt cần bám sát các nhiệm vụ trong Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, coi đây là trọng tâm xuyên suốt trong năm 2021.

Thứ hai, tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực để khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho phát triển.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là tổ chức triển khai Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững, trong đó triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; minh bạch, chặt chẽ, tận dụng mọi điều kiện để phát triển bền vững năng lượng tái tạo trong nước.

Thứ năm, triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại; tiếp tục đổi mới tư duy trong các hoạt động xúc tiến thương mại, ở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, tháo gỡ rào cản tại các thị trường mới.

Thứ sáu, tăng cường nghiên cứu về kinh tế quốc tế trong quá trình hội nhập chính sách, nhất là các chính sách phòng vệ, trả đũa thương mại, cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hộ cũng như gian lận và lẩn tránh thuế - những vấn đề rất mới đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực chống buôn lậu hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tám, thúc đẩy phát triển và phát huy vai trò của thị trường trong nước, phát triển mạnh thương mại điện tử gắn kết với các loại hình thương mại truyền thống khác.

Thứ chín, tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong ngành; thực hiện tốt công tác cán bộ, đào tạo đội ngũ cán bộ thật sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Công thương phải bảo đảm chăm lo phục vụ tốt cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, không để thiếu hàng hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đặc biệt, phải bảo đảm tốt công tác phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả.

Theo: nhandan.com.vn