Thứ 7, 23/11/2024, 10:58[GMT+7]

Đúc đồng An Lộng giờ đã đổi thay

Thứ 6, 15/01/2021 | 08:45:06
10,328 lượt xem
Dù trải qua bao đợt thịnh, suy nhưng những bí quyết nghề không bị thất truyền, người thợ thủ công vẫn sống được với nghề bởi có sự năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường để đổi thay - đó là câu chuyện ở làng nghề đúc đồng An Lộng, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ).

Người dân làng nghề đúc đồng An Lộng đã gắn sản xuất với phát triển dịch vụ thương mại cho giá trị kinh tế cao.

Nghề đúc đồng ở An Lộng có cách đây khoảng 300 năm. Trước đây, bà con chủ yếu đúc các đồ dùng sinh hoạt và một số đồ thờ. Do tập quán dùng đồ gia dụng bằng đồng của người tiêu dùng thay đổi, nhu cầu của thị trường giảm dần, nhiều hộ đúc đồng trong làng nhanh chóng chuyển sang đúc nhôm. Những hộ còn lại vì yêu nghề, muốn lưu giữ nghề truyền thống thì cũng thay đổi mẫu mã và chủng loại sản phẩm. 

Ông Nguyễn Đức Hiểu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoàng chia sẻ: Từ năm 2005, trước nhu cầu sử dụng chuông chùa, chuông từ đường, tượng phật, lư hương, cổng dậu bằng đồng ngày càng cao, các hộ làm nghề đúc đồng ở An Lộng nắm bắt thời cơ chuyển đổi và đẩy mạnh sản xuất. Thay vì làm đơn lẻ như trước đây, người thợ đúc đồng liên kết với nhau thành từng nhóm, tổ thợ từ 7 - 10 người chuyên biệt hóa các công đoạn: tạo mẫu, nấu và pha chế đồng, đúc, hoàn thiện sản phẩm, tiếp thị...

Chúng tôi đến thăm cơ sở đúc đồng Lục Dung, một hộ sản xuất có tiếng với nhiều hợp đồng đúc chuông chùa cỡ lớn giá trị hàng tỷ đồng. Mặc dù thời tiết rất lạnh nhưng những người thợ vẫn vã mồ hôi khi thực hiện các khâu đắp khuôn đất chuẩn bị đúc chuông. 

Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết: Trước đây, nghề đúc đồng chủ yếu làm thủ công nên rất vất vả, người thợ ngoài có kỹ thuật tay nghề giỏi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Đây là lý do vì sao thời gian qua thế hệ trẻ trong làng không mặn mà theo nghề của ông cha. Tuy nhiên, hiện nay một số công đoạn sản xuất đã được làm bằng máy móc như nghiền, nhào đất sét, cẩu vận chuyển, lắp ráp khuôn, quạt lò nấu đồng... đã giảm sức lao động cho người thợ, năng suất cao, thu nhập cũng khá hơn.

Ở làng nghề đúc đồng An Lộng không phải lúc nào cũng gặp được những ông chủ cơ sở đúc đồng vì ít khi họ ở nhà. Những ông chủ là người nắm giữ bí quyết pha chế đồng, có trình độ kỹ thuật cao trong việc tạo tác khuôn mẫu họa tiết tinh xảo nên thường họ chỉ ở nhà khi làm mẫu đúc. Công việc quan trọng nữa của các ông chủ chính là tìm đơn hàng sản xuất, bảo đảm duy trì việc làm cho người thợ. Họ lặn lội đi khắp nơi từ Bắc chí Nam để giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng. Sau những chuyến đi như thế là nhiều đơn hàng mang về cho công nhân làm. 

Ông Hoàng Văn Mùi, công nhân cơ sở đúc đồng Vũ Thanh Toán cho biết: Sản phẩm chuông đồng của làng nghề chúng tôi không những đẹp về mỹ thuật, đúng theo yêu cầu của khách hàng và có tiếng kêu vang, ngân xa nên được nhiều chùa từ miền Bắc tới miền Nam đặt làm. Nổi tiếng nhất là các quả chuông đồng lớn ở chùa Ba Vàng (thành phố Đà Nẵng), chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) đều do người thợ của làng An Lộng đúc. Đặc biệt, nhiều chùa ở ngay những làng nghề đúc đồng nổi tiếng như Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), Tống Xá (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)... cũng đặt chúng tôi đúc chuông. Chính sự chủ động trong tiếp cận khách hàng, không thụ động ở nhà chờ khách tìm đến đặt, mua như trước đã giúp cho sản phẩm của họ tiêu thụ dễ dàng và các cơ sở đúc đồng ở An Lộng luôn có việc làm quanh năm.

Có một sự đổi thay đáng ghi nhận ở làng nghề đúc đồng An Lộng là bà con đã gắn sản xuất với phát triển dịch vụ thương mại để nâng cao giá trị và thu nhập. Bên cạnh mua bán theo phương thức truyền thống, nhiều hộ đã biết quảng bá sản phẩm trên website, mạng xã hội và đưa lên sàn thương mại điện tử để bán hàng vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Mỗi năm giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại của xã Quỳnh Hoàng đạt gần 220 tỷ đồng, trong đó nghề và làng nghề An Lộng đóng góp khoảng 60%. Sự thay đổi trong tư duy, cách làm của người dân đã và đang mang lại sức sống mới cho làng nghề; đời sống của bà con không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn thêm phần khởi sắc.

Khắc Duẩn