Chủ nhật, 19/01/2025, 10:31[GMT+7]

Tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân

Thứ 5, 21/01/2021 | 08:18:07
8,992 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây chuột có xu hướng gia tăng gây hại trên nhiều loại cây trồng, toàn tỉnh hàng nghìn héc-ta lúa, rau màu bị thiệt hại do chuột gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất trồng trọt và đời sống của nhân dân.

Chủ động diệt chuột bảo vệ lúa xuân.

Bên cạnh đó, cây trồng nông nghiệp ngày càng đa dạng, việc xen canh, gối vụ trên đồng ruộng, cùng với một số diện  tích đất bỏ hoang hóa... là điều kiện thuận lợi để chuột sinh sản, phát triển nhanh quần thể. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, nguy cơ chuột sẽ gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở vụ xuân năm 2021...

Để chủ động công tác, phòng, chống, giảm tới mức thấp nhất tác hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp,  ngày 19/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 218/UBND-NNTNMT yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn bám sát lịch đổ ải của tỉnh, chủ động điều tiết nước trên toàn hệ thống, bảo đảm đủ nước cho việc thau chua, rửa mặn và đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa xuân 2021. 

Khoanh vùng bảo vệ diện tích cây màu chưa đến thời kỳ thu hoạch; huy động máy móc, nhân lực tập trung cho công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng; chỉ đạo rà soát, kiểm tra toàn bộ giống lúa bảo đảm số lượng, chất lượng cho sản xuất vụ xuân 2021. 

Gieo mạ, cấy lúa sau tiết lập xuân, kết thúc gieo cấy trước ngày 25/2/2021; chủ động lượng mạ và thóc giống ngắn ngày dự phòng khi thời tiết bất thuận, có rét hại gây chết lúa, mạ để có phương án thay thế kịp thời. 

Triển khai chiến dịch diệt chuột theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phát động các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa vào mùa sinh sản, giai đoạn đổ ải, giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi trắng đồng), giữa vụ gieo trồng. 

Tùy tình hình cụ thể tiến hành từ 3 - 5 đợt diệt chuột/năm và thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột từ ngoài đồng ruộng đến khu dân cư, công sở, ven đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà kho, công xưởng..., trong đó coi trọng thực hiện biện pháp thủ công như đào, bắt, bẫy chuột, sử dụng thuốc diệt chuột sinh học, hạn chế việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại; nghiêm cấm việc dùng thuốc ngoài danh mục và điện lưới quốc gia để diệt chuột gây nguy hiểm đến tính mạng của người, gia súc, gia cầm... 

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, thu hồi các vật dụng diệt chuột bằng điện trên đồng ruộng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, thành phố và hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về thời gian, kỹ thuật phòng, trừ chuột để nhân dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra. 

Địa phương nào để tình trạng diệt chuột bằng điện lưới quốc gia, sử dụng thuốc ngoài danh mục gây hậu quả nghiêm trọng; bỏ ruộng không canh tác để chuột cư trú và phát sinh ra diện rộng gây mất mùa ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng, triển khai kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân đến các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan. Huy động cán bộ kỹ thuật tăng cường cho cơ sở; chủ động phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sự phát sinh gây hại của chuột và các đối tượng sâu bệnh khác để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo người dân về các loại thuốc đặc hiệu, biện pháp và kỹ thuật phòng, trừ, bảo đảm hiệu quả cao. Phối hợp với Đài PTTH Thái Bình, Báo Thái Bình xây dựng các chương trình về các biện pháp phòng, trừ chuột và các đối tượng dịch hại khác để nhân dân biết thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vật tư nông nghiệp bảo đảm trên địa bàn không có việc sử dụng thuốc trừ chuột ngoài danh mục lưu hành. 

Cục Quản lý thị trường Thái Bình phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, hết hạn sử dụng lưu hành trên thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sự phát triển của chuột và sâu bệnh để nâng giá thuốc, ảnh hưởng đến nông dân.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra các công sở, công trình, nhà xưởng, trường học, bệnh viện, văn phòng, nhà kho... thuộc quản lý của sở, ban, ngành; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân, bảo đảm chiến dịch diệt chuột được tiến hành đồng loạt từ ngoài cánh đồng và trong khu dân cư, công sở...

MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ chuột, bảo vệ an toàn sản xuất năm 2021.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày