Thứ 2, 25/11/2024, 00:39[GMT+7]

Kiên quyết không để nhân dân không biết, không hiểu, hiểu không đúng dẫn đến vi phạm Nghị định số 137/2020/NĐ-CP

Thứ 2, 25/01/2021 | 09:45:13
5,237 lượt xem
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.

Người dân phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Kiên quyết không để nhân dân không biết, không hiểu, hiểu không đúng dẫn đến vi phạm Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2021. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP gồm 4 chương, 26 điều, trong đó có nhiều quy định mới tác động trực tiếp đến nhân dân; giải thích rõ thế nào là pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa, đối tượng được sử dụng, các hành vi bị nghiêm cấm...Nghị định có hiệu lực khi tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân khi tiếp cận thông tin liên quan đến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã hiểu chưa đúng, thậm chí cố tình hiểu sai các quy định cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt nhiều loại pháo. Việc hiểu sai bản chất của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP sẽ dẫn tới vi phạm. Do đó, các tổ chức cũng như người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm các quy định đã được Nghị định số 137/2020/NĐ-CP nêu rất chi tiết, cụ thể. Thượng tá Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP thì  “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có sự tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP  thì “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian”. Điểm khác nhau cơ bản để phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ đó là pháo hoa khi sử dụng không gây ra tiếng nổ; pháo hoa nổ khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ. Đối với loại pháo hoa thì cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và chỉ được mua của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cấp phép theo quy định. Đối với những trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh sẽ bị xử lý hành chính theo quy định; trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, hiểu đúng các quy định tại Nghị định số 137/ 2020/NĐ-CP của Chính phủ; tham mưu, đề xuất in sao, cấp phát các đĩa, tờ rơi tuyên truyền đến các thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn; chỉ đạo tuyên truyền lưu động, trực quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, nhất là các địa phương ven biển như hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chỉ đạo công an các huyện, thành phố rà soát các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm để có phương án phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; phối hợp với viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân hai cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm túc các vi phạm về pháo để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.

Để Nghị định số 137/2020/NĐ-CP được thực hiện có hiệu quả, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị định nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm; tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác; vận động người dân phát hiện, đấu tranh, tố giác với các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo vệ an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Phạm Hưng

  • Từ khóa