Thứ 2, 23/12/2024, 15:05[GMT+7]

Đồng Nai: Kéo gần khoảng cách thành thị - nông thôn

Thứ 3, 26/01/2021 | 10:56:51
884 lượt xem
Có dịp về công tác tại Đồng Nai năm 2020, Bộ Trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao điểm nổi bật của Đồng Nai về kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, tỉnh thuộc tốp đầu cả nước đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, trong tái cơ cấu nông nghiệp và triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp để tạo nên những đột phá ấn tượng trong lĩnh vực này...

Đồng Nai là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước có sự chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Giai đoạn hậu NTM, tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, nhất là về thu nhập để tiếp tục kéo dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Ly nông, không ly hương

Ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, Đồng Nai đã bám sát phương châm “ly nông không ly hương”. Và để giữ người dân nông thôn gắn bó với quê hương, bản quán, các địa phương đã có sự chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề từ nông, lâm, thủy sản sang các ngành phi nông nghiệp nhằm tạo thêm việc làm, giúp tăng thu nhập của người dân nông thôn. Đặc biệt sự phát triển mạnh của công nghiệp, dịch vụ đã tạo ra sự chuyển dịch lao động tích cực từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Hiện nay, nhiều xã về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, tăng gấp nhiều lần so với mức khởi điểm chưa đạt được mức 20 triệu đồng/người/năm khi Đồng Nai bắt tay vào xây dựng NTM. Có được kết quả này là do nhiều vùng nông thôn đã tập trung phát triển đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Chia sẻ kinh nghiệm từ một huyện nghèo phát triển mạnh về sản xuất, địa phương đi đầu về xây dựng NTM kiểu mẫu, theo Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước, ngoài tập trung phát triển nông nghiệp, địa phương cũng rất quan tâm phát triển đồng bộ công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, thu nhập của người dân xã Bình Lợi, xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của Đồng Nai có sự thay đổi bứt phá vì địa phương đã phát triển song song nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Nhiều gia đình ở vùng quê này có thành viên đi làm công nhân ở các công ty để có thu nhập ổn định duy trì cuộc sống và tái đầu tư cho nông nghiệp nên nhiều hộ khó khăn dần vươn lên làm giàu. “Thời gian tới, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương cũng đang tập trung thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển theo định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, dịch vụ để không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trên mảnh đất sản xuất của người nông dân” - ông Phước nói.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang các lĩnh vực phi nông nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng thiếu lao động nông nghiệp. Thích ứng với tình hình mới, các chủ trang trại, nông dân ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất để tăng năng suất, giảm lao động tay chân... Việc đào tạo được đội ngũ lao động nông thôn giỏi tay nghề, có tác phong công nghiệp cũng là nội dung ngày càng được Đồng Nai quan tâm trong xây dựng NTM.

Xây dựng làng quê giàu, đẹp

Theo mục tiêu tổng quát xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tiếp tục bám sát mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn để người dân nông thôn cũng giàu có, thịnh vượng, không còn có khoảng cách quá xa với khu vực đô thị. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Cùng với đó, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương của Đồng Nai luôn đặt ra mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích tạo hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp, thi đua làm giàu của nông dân ở các vùng nông thôn.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam Hoàng Sơn Công gợi ý, nông dân cần có góc nhìn khác về sản xuất, cùng  1 vườn cam, 1 vườn bưởi nhưng có thể tạo ra được thu nhập gấp 2 lần, thậm chí gấp nhiều lần hay không? Những loại nông sản đặc trưng của địa phương có thể thành đặc sản giá trị cao trên thị trường cả nước và xuất khẩu? Theo ông Công: “Hiện đã có những nông dân, cơ sở làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đầu tư chế biến các đặc sản độc, lạ có giá trị cao từ những cây trồng có sẵn tại địa phương, thậm chí là từ nguồn nguyên liệu vốn là rác thải trong sản xuất như: mứt vỏ bưởi, trà vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, dưỡng tóc tinh dầu bưởi, trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt, mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi... Tạo môi trường cho nông dân khởi nghiệp bằng cách khai thác thế mạnh đặc sản vùng, miền là hướng đi các địa phương cần khuyến  khích”.

Bám sát quan điểm nỗ lực để đạt mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu nhưng không chạy theo thành tích mà đi vào thực chất, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc khẳng định: “Địa phương đang tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ cho nông nghiệp như: thủy lợi, điện sản xuất, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... Huyện cũng tạo mọi điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững nhằm về đích trong xây dựng NTM kiểu mẫu với phát triển nông nghiệp bền vững, đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao là tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu”.

Theo baodongnai.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày