Thứ 7, 03/08/2024, 09:13[GMT+7]

Ngày tết kể chuyện chăm sóc người có công

Thứ 3, 09/02/2021 | 16:54:40
3,221 lượt xem
Tết là dịp mọi người sum họp bên gia đình. Với cán bộ, nhân viên y tế các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng và chăm sóc người có công, tết với họ là dịp để sẻ chia, quan tâm, chăm sóc tốt hơn người có công. Được nghe họ tâm sự về công việc, chúng tôi càng hiểu hơn ân tình và trách nhiệm cao cả họ dành cho những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà tết cho người có công đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Chăm sóc bằng tất cả ân tình và trách nhiệm

Những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công (cơ sở 2), xã Minh Quang, huyện Vũ Thư. Cũng như mọi năm, tết năm nay trong số 23 thương bệnh binh đang được chăm sóc tại Trung tâm, hầu hết các bác về quê đón tết với gia đình, chỉ còn khoảng 3 - 4 bác đón tết tại Trung tâm. Nhưng không vì thế mà thiếu đi không khí của ngày tết. Cán bộ, nhân viên ở Trung tâm vẫn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ bánh chưng, cành đào, cây quất... để các bác đón tết đúng theo phong tục cổ truyền. Để các bác có một cái tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình, người thân, vấn đề chăm lo sức khỏe trong những ngày tết được đội ngũ y tế ở đây đặc biệt quan tâm. Trước tết gần 1 tuần, với những bác không ăn tết tại Trung tâm, cán bộ y tế thường sắp xếp lịch, bố trí thời gian về các gia đình khám sức khỏe, nắm bắt tâm lý, tư tưởng, dặn dò và phát thuốc cho các bác. 

Điều dưỡng Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Nuôi dưỡng người có công chia sẻ: Đa số người có công ở Trung tâm tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Do đó, bất kể ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn dành sự quan tâm, chăm sóc người có công bằng tất cả ân tình và trách nhiệm, giúp người có công vơi đi nỗi đau, vui sống tuổi già.

12 năm gắn bó với Trung tâm, với điều dưỡng Nguyễn Văn Thắng, mỗi năm tết đến lại gắn với anh rất nhiều kỷ niệm. Theo lời kể của anh, thông thường vào dịp tết, thời tiết lạnh nên bệnh của các bác thường hay tái phát do di chứng của chiến tranh, chưa kể các bác đón tết tại gia đình nên việc ăn uống không kiểm soát được, vì vậy việc ốm đau, chuyển viện đã thành quen với cán bộ ở Trung tâm. Như trường hợp của bác Đinh Xuân Thiệp, thôn Quang Trung, xã Tây Đô (Hưng Hà). Bác Thiệp là thương binh 1/4, bị mất 2 chân, tỷ lệ thương tật 96%. Mùng 3 tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, bác Thiệp có biểu hiện đau bụng kéo dài, huyết áp cao, khó thở, gia đình liên hệ với Trung tâm đưa bác lên bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

“Sau khi nhận được thông tin từ gia đình, lãnh đạo và đội ngũ y tế của Trung tâm xuống kiểm tra sức khỏe và đưa ra các phương án điều trị cho bác. Qua thăm khám tại bệnh viện tuyến tỉnh, bác bị bệnh tim cần phải chuyển lên tuyến trung ương để phẫu thuật. Trong những ngày ở viện, cán bộ Trung tâm phối hợp gia đình cùng chăm lo sức khỏe cho bác từ tắm gội, vệ sinh, ăn uống... Với chúng tôi, mỗi thương binh, bệnh binh khỏe thì tết năm đó nhiệm vụ mới thực sự hoàn thành” - anh Thắng chia sẻ thêm.

Ông Hoàng Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Hầu hết cán bộ, nhân viên ở Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng các bác thương bệnh binh từng tham gia chiến đấu hoặc con cháu của các bác nên họ hiểu được tâm lý, tính cách, sở thích, hoàn cảnh của từng người, do vậy việc chăm sóc cũng có nhiều thuận lợi. Cán bộ, nhân viên ở Trung tâm coi các bác như ông bà, bố mẹ, người thân của mình, mỗi dịp tết đến họ thường gác lại chuyện gia đình để chăm lo cho các bác được chu toàn nhất.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Thắng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công kiểm tra sức khỏe cho thương binh hạng 1/4 Nguyễn Xuân Thái trước khi ông về quê ăn tết cùng gia đình.

Trắng đêm chăm sóc người bệnh

Khác với các bác thương bệnh binh tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công ngày tết được gia đình, người thân đón về quây quần đón tết, với thương bệnh binh và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, niềm vui với họ trong những ngày tết là sự động viên, chia sẻ, chăm sóc ân cần để vơi đi nỗi nhớ nhà. Bởi trong số 66 bệnh nhân là người có công điều trị tại Trung tâm, tết đến chỉ có khoảng 1/3 trong số họ được người thân đón về, còn lại họ đón tết tại Trung tâm. Tuy số bệnh nhân ít hơn ngày thường nhưng việc chăm sóc với cán bộ, nhân viên ở Trung tâm cũng vất vả hơn. 

Chị Nguyễn Thị Tươi, Trưởng khoa Người có công tâm sự: Mặc dù việc nhận thức của các bác thương bệnh binh lúc nhớ, lúc quên nhưng trong tiềm thức, họ vẫn luôn khao khát được trở về với gia đình. Vì vậy, vào những thời điểm như giao thừa, tâm lý người bệnh không ổn định, họ suy nghĩ nhiều nên cũng hay tái phát bệnh vào thời điểm đó. Những lúc đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm rất vất vả trong việc chăm sóc, điều trị. Từng trực tiếp chăm sóc cho người bệnh tái phát cơn vào đêm giao thừa cách đây 4 năm, với chị Tươi đó là kỷ niệm ăn sâu vào ký ức mỗi khi tết đến. 

Chị Tươi kể: Tết năm đó trời mưa phùn, đúng vào thời điểm giao thừa, một bệnh nhân là con đẻ của người bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin ngoài 20 tuổi tái phát bệnh. Khi chúng tôi đến, em đã cởi hết quần áo, nằm co ro một góc và la hét trong thời tiết giá rét. Suốt đêm đó, tôi và cán bộ, nhân viên Trung tâm hỗ trợ nhau để điều trị, người tiêm thuốc, người đắp chăn ủ ấm cho em. Khi tâm lý em tạm thời ổn định, chúng tôi mới yên tâm về phòng, lúc đó trời cũng đã sáng.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cùng với việc tiếp đón các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà, động viên người có công, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần luôn duy trì các hoạt động chăm lo tết cho người có công, từ việc tổ chức gói bánh chưng, chăm lo các bữa ăn trong ngày tết, mua cây cảnh, trang trí đèn nháy tại các khoa phòng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và đón giao thừa với mong muốn chăm lo đầy đủ hơn, cùng người có công đón tết vui vẻ, đầm ấm.

Một mùa xuân nữa lại về, những tình cảm, sự chăm sóc ân tình, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên tại các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc và điều dưỡng người có công luôn thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây cũng chính là nguồn động viên để người có công có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa