Thứ 6, 10/01/2025, 11:23[GMT+7]

Con trâu trong văn hóa dân gian

Thứ 6, 12/02/2021 | 14:19:00
14,040 lượt xem
Theo một khảo sát định lượng thì trong kho tàng ca dao đã được sưu tầm (khoảng trên 12.000 đơn vị lời ca) rất kỳ lạ là hình ảnh trâu, kể cả nghé xuất hiện trong kho tàng ca dao người Kinh rất ít, chỉ 69 lần nhưng ong, bướm, lợn, gà, chó... xuất hiện nhiều hơn hẳn.

Trái lại, số lần hình ảnh con trâu xuất hiện trong văn hóa người Thái ở Việt Nam là rất nhiều. Đó là một thông tin cần quan tâm. Tất nhiên, chúng ta phải phân biệt số lần xuất hiện khác còn bài ca dao có hay hay không là một chuyện khác.

Có thể thấy rằng trâu là biểu tượng rất đỗi quen thuộc và phổ biến trong văn hóa cư dân người Việt cổ. Văn hóa người Kinh là văn hóa thừa hưởng một phần về hình ảnh con trâu. Trong văn hóa phương Nam của người Việt cổ, con trâu sớm được thuần hóa và được con người sử dụng vào các mục đích khác nhau. Trong văn hóa người Môn Khmer hay tộc người Tày - Thái, trâu được sử dụng nhiều trong các món ăn, trong nghi lễ, trong tạo hình. Hầu hết các cách chế biến thức ăn hiện nay chúng ta làm từ trâu xuất phát từ vùng Tây Bắc, còn với người Việt trước đây, những ẩm thực về trâu là rất ít.

Từ tổng thế đó, khi người Kinh tiếp xúc với tôn giáo và đặc biệt là Nho giáo và Phật giáo, trâu có biểu tượng khác đi. Ví dụ trong tranh nhà Phật thuộc Thiền tông Đại thừa, người Việt đã phổ biến tranh về trâu, gọi là “Thập mục ngưu đồ”. Đó là 10 bức tranh nói lên quá trình tu thiền để đạt đạo. Họ coi trâu là biểu tượng của bản tính tự nhiên. Người tu hành tìm đến giác ngộ thì phải đi sâu vào bản thể còn hoang dã đó. Đó là cả một quá trình tìm trâu, thấy trâu, bắt trâu, chăn trâu, cưỡi trâu về nhà, quên trâu nhưng còn người, quên trâu quên người, trở về bản nguyên, buông tay vào chợ khi đã đạt đạo bằng con đường “trực giáo”, tức “trực chỉ nhân tâm”, “giáo ngoại biệt truyền” của thiền. Trong tranh dân gian và trong thơ ca Trung đại, các mảnh ghép của nó đã được tái hiện nhiều lần.

Trong lễ nghi Nho giáo, con người dùng trâu làm vật tế thần. Trong tác phẩm “Lĩnh nam chích quái”, một tác phẩm văn xuôi xa xưa của người Việt có ghi: “Khi tế lễ, làm con thổ ngưu để cầu cho xã tắc, mùa màng”. Thổ ngưu có 2 nghĩa, một là con trâu bằng đất nặn nhưng có người gọi thổ ngưu là trâu đen phương Nam. Thổ là địa phương ngoài Hoa Hạ như thổ quan, thổ tù.

Hình tượng con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ

Sau đó, Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Trung Bộ ở các cửa sông mà người Kinh trở thành cư dân rất thành thạo về lúa nước thì con trâu đi vào ca dao và trở thành người bạn thân thiết của người nông dân, tượng trưng cho sự cần cù, nhẫn nại. Với người nông dân Việt, con trâu rất quan trọng với đồng áng, người ta nói “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Vì là sự nghiệp của người đàn ông trong một gia đình nên người ta chọn trâu rất kĩ, xem tướng trâu, xem từ mắt, mũi, răng, sừng, xoáy, chân, lưng... và khi mua một con trâu thì người nhìn tướng thì biết là dữ hay lành.

Trong gia đình có nuôi một con trâu hiền, trâu tốt thì coi như nhà ấy sở hữu một gia tài rất lớn. Con trâu biết nghe lời người, con người nói năng, ứng xử với nó, nó đều biết. Có những người nông dân nói chuyện với trâu cả ngày, kể chuyện như người bạn tâm tình. Có người khi bắt gặp là trâu lườm, thậm chí gồng lên nhưng cũng có người khi gặp, con trâu lại rất thân thiện. Ở các lò mổ, khi trâu thấy đồng loại bị thịt, bị đánh, chúng gần như phát điên và sẵn sàng húc người. Bởi thế, ứng xử với trâu phải thật nâng niu, trân trọng.

Đến thời nay, khi tư duy làm nông nghiệp đã đổi mới, con trâu không phải cày nữa thì nó không được xem tướng một cách chu đáo. Người ta mua trâu là đo vòng bụng và chiều dài vì da trâu bán nhiều khi đắt hơn cả thịt. Vì da trâu có thể làm nguyên liệu cho nghề thuộc da làm trống, làm giày... Quan hệ giữa trâu với người cũng khác đi. Với nền nông nghiệp trâu là người bạn, có thể tâm sự với nó. Đặc biệt dưới góc độ văn nghệ dân gian thì rất nhiều bài hát của trẻ con là đồng dao gọi trâu. Và có những vùng trâu dùng để kéo gỗ như ở Quảng Bình có điệu hò “Lỉa trâu” rất độc đáo, tức là hát cho trâu kéo gỗ.

Chính những câu hò “Lỉa trâu” ngọt ngào, ân tình được những người thợ sơn tràng cất lên cùng cái vỗ tay nhè nhẹ vào mông con trâu để báo hiệu cho nó giật, kéo gỗ đi hoặc báo hiệu trước mỗi lần vượt đèo, vượt dốc, băng khe, vượt suối chính là niềm động viên và cổ vũ quan trọng để cả người và trâu cùng vượt qua vất vả, nhọc nhằn, kéo gỗ đi về nơi tập kết. Bên cạnh đó, các câu hò thể hiện tình yêu trai gái với các cung bậc vui sướng, hạnh phúc hay khổ đau, thất vọng cũng còn được nhiều người thuộc và lưu truyền trong dân gian. Hiện nay tại câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy còn biểu diễn nhiều bài “Lỉa trâu”. Vào tháng 10-2018, nghệ nhân Ngô Văn Diễn của câu lạc bộ đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh với điệu “Lỉa trâu” do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ sáng tác lời cổ trang.

Như vậy, có thể nói, con trâu đã vào trong văn hóa ẩm thực, đời sống văn nghệ dân gian, sử sách dân gian, lễ nghi của người Việt. Hi vọng năm Tân Sửu 2021, tinh thần “văn hóa trâu” với những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc sẽ được phục hưng.

Theo An ninh thế giới Online


  • Từ khóa