Thứ 6, 22/11/2024, 16:38[GMT+7]

Dịch Ebola bùng phát, WHO cảnh báo 6 quốc gia châu Phi cần theo dõi các ca nghi nhiễm

Thứ 4, 17/02/2021 | 08:03:29
1,857 lượt xem
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu 6 quốc gia châu Phi theo dõi các ca nghi nhiễm virus, có thể gây bùng phát dịch Ebola.

Guinea và CHDC Congo đã ghi nhận một số ổ dịch Ebola mới. (Ảnh: AP)

Khuyến cáo của WHO được đưa ra sau khi Guinea và CHDC Congo ghi nhận một số ổ dịch Ebola mới. Cụ thể, ngày 16/2, Guinea đã báo cáo các trường hợp mắc Ebola mới. Guinea xác nhận, virus Ebola đã lây nhiễm ở quốc gia này từ ngày 14/2 kể từ đợt bùng phát dịch trong giai đoạn 2013 - 2016.

Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết, các ca nhiễm mới ở quốc gia này là những trường hợp tái nhiễm của một đợt bùng phát dịch trước đó. Congo đã xác nhận 4 trường hợp mắc mới trong tháng 2/2021.

Dịch Ebola bùng phát, WHO cảnh báo 6 quốc gia châu Phi cần theo dõi các ca nghi nhiễm - Ảnh 1.

Congo đã xác nhận 4 trường hợp mắc mới từ đầu tháng 2/2021. (Ảnh: AP)

Các nhà chức trách y tế đã gấp rút ứng phó với những ca bệnh ở Guinea, ngăn chặn sự lặp lại của đợt bùng phát dịch Ebola cuối cùng ở khu vực Tây Phi, khiến hơn 11.300 người thiệt mạng, chủ yếu ở Guinea, Sierra Leone và Liberia. Đây là một trong những đợt dịch Ebola tồi tệ nhất được ghi nhận ở khu vực này.

WHO đã đưa ra khuyến cáo theo dõi các ca nghi nhiễm Ebola đối với 6 quốc gia láng giềng của Guinea gồm Senegal, Guinea-Bissau, Mali, Bờ Biển Ngà, Sierra Leone và Liberia.

Đến nay, Guinea đã ghi nhận 10 ca nghi nhiễm Ebola và 5 trường hợp tử vong. Ngày 16/2, Bộ Y tế Guinea cho biết, kể từ khi tuyên bố bùng phát dịch vào ngày 14/2, giới chức Guinea đã xác định được 115 người có tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh ở thành phố Nzerekore, vùng Đông Nam nước này và 10 trường hợp ở thủ đô Conakry.

Dịch Ebola bùng phát, WHO cảnh báo 6 quốc gia châu Phi cần theo dõi các ca nghi nhiễm - Ảnh 2.

Công tác giải mã trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm Ebola đang được thực hiện. (Ảnh: AP)

Công tác giải mã trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm Ebola ở cả Congo và Guinea đang được thực hiện để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của đợt bùng phát dịch và xác định chủng virus. Congo đã xác nhận, các trường hợp mắc bệnh mới tại quốc gia này không liên quan đến biến thể Ebola mới mà là sự tái nhiễm của đợt dịch thứ 10, đợt bùng phát dịch lớn thứ hai được ghi nhận, khiến hơn 2.200 người tử vong trong giai đoạn 2018 - 2020.

Kể từ khi dịch bệnh Ebola hoành hành ở khu vựcTây Phi, vaccine ngừa Ebola và các phương pháp điều trị đã được phát triển, giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót và công tác phòng chống dịch bệnh.

Virus Ebola có thể gây xuất huyết nghiêm trọng, suy đa cơ quan và lây lan nhanh chóng trong trường hợp có tiếp xúc với dịch của người nhiễm virus. Ebola có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với COVID-19. Tuy nhiên, không giống như virus SARS-CoV-2, virus Ebola không bị lây truyền bởi những người nhiễm bệnh không có triệu chứng.

Theo vtv.vn