Thứ 7, 23/11/2024, 11:35[GMT+7]

Thêu Minh Lãng: Gặp khó do dịch bệnh

Thứ 2, 22/02/2021 | 08:35:55
5,423 lượt xem
Do tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, làng nghề thêu truyền thống xã Minh Lãng (Vũ Thư) chịu tác động và gặp nhiều khó khăn. Vượt lên khó khăn đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cố gắng duy trì hoạt động, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khôi phục sản xuất khi dịch bệnh chấm dứt.

Vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, cơ sở thêu ở Minh Lãng cố gắng duy trì sản xuất, việc làm cho người lao động.

22 năm sản xuất, kinh doanh hàng thêu truyền thống xuất khẩu đi các nước trên thế giới, từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng năm 2020 được đánh giá là năm khó khăn nhất của Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương (thôn Phù Lôi, xã Minh Lãng). 

Ông Hoàng Đình Chiêm, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chủ yếu sản xuất các đơn hàng cao cấp do khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc đặt. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số đơn hàng giảm sâu, doanh thu cả năm chỉ đạt trên 300 triệu đồng, bằng 10% so với mọi năm. Số lao động trực tiếp và lao động vệ tinh của Công ty các năm trước đạt trên 100 người thì hiện nay chỉ còn hơn 10 người. Thu nhập của lao động làm nghề thêu hiện chỉ đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng (trước dịch đạt 6 - 7 triệu đồng/người/tháng). Việc làm khó khăn, thu nhập giảm đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động, Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương chấp nhận thua lỗ, thực hiện các chính sách để giữ chân công nhân. Điều Công ty mong muốn nhất hiện nay là dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không riêng công ty lớn, cơ sở thêu truyền thống của chị Nguyễn Thị Nhuần cũng lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Nhuần chia sẻ: Cơ sở của gia đình tôi nhận hàng thêu tranh, thêu áo dài truyền thống phục vụ thị trường nội địa và xuất sang thị trường Trung Quốc. Những năm trước, cơ sở thường xuyên thu hút 50 - 60 thợ thêu, việc làm luôn ổn định, đặc biệt những dịp cuối năm, hàng hóa rất chạy. Từ đầu năm 2020 đến nay thì khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua sản phẩm thêu của người tiêu dùng trong và ngoài nước giảm hẳn. Cơ sở của tôi nhận được rất ít đơn hàng, sản phẩm thêu bán tự do trong nước cũng ế ẩm. Gần 1 năm nay, cơ sở luôn hoạt động cầm chừng, thậm chí có 2 tháng, cơ sở không có việc phải nghỉ hoàn toàn. Đến nay, với nỗ lực lớn của gia đình tôi, cơ sở duy trì được việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập của thợ thêu từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày.

Nhiều năm qua, tổ hợp thêu tranh truyền thống của gia đình anh Nguyễn Như Cảnh (thôn Phù Lôi, xã Minh Lãng) hoạt động ổn định và cho thu nhập khá. Trước dịch Covid-19, tổ hợp thường thu hút từ 20 - 30 lao động vệ tinh, thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát tại Trung Quốc và trên thế giới, tổ hợp không có đơn hàng, sản phẩm không tiêu thụ được như mọi năm. 

Anh Cảnh chia sẻ: Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, người dân sẽ ưu tiên mua sắm thuốc men, đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu, sản phẩm tranh thêu có thể mua sắm sau, do đó thị trường tiêu thụ tranh thêu khó khăn. Tôi nghĩ, chỉ khi nào cả thế giới chung tay kiểm soát được dịch Covid-19 thì các hoạt động sản xuất nói chung và nghề thêu nói riêng mới ổn định sản xuất được.

Trải qua nhiều thăng trầm, những năm gần đây (trước khi dịch Covid-19 xảy ra), nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng đang đi vào giai đoạn phát triển ổn định, hiệu quả. Xã có 3 doanh nghiệp sản xuất hàng thêu cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, 5 cơ sở, tổ hợp thêu nhỏ lẻ; toàn xã có trên 1.000 thợ thêu, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng. 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp đều khan hiếm đơn hàng, lao động bị mất việc làm. Một số doanh nghiệp, cơ sở nỗ lực chuyển sang sản xuất các sản phẩm thêu bán tự do ở thị trường nội địa nhưng không hiệu quả. 

Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã thường xuyên gặp gỡ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì nghề thêu truyền thống của địa phương. Động viên các cơ sở, doanh nghiệp nhạy bén đổi mới, ứng dụng công nghệ, cải tiến chất liệu, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm mới để thích ứng với tình hình mới là dịch Covid-19 trên thế giới có thể kéo dài hoặc chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. UBND xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục giúp các doanh nghiệp, cơ sở vay vốn phục vụ sản xuất. Mong mỏi của cán bộ và nhân dân xã Minh Lãng hiện nay là dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để các hoạt động kinh tế - xã hội ổn định, nghề thêu truyền thống được duy trì và phát triển.

Quỳnh Lưu