Thứ 4, 27/11/2024, 07:47[GMT+7]

Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa cho Hải Dương

Thứ 3, 23/02/2021 | 08:32:55
1,321 lượt xem
Bộ Công Thương vừa gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (văn bản số 901/BCT-TTTN ngày 21/2/2021).

Trước tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa tại Hải Dương, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản. (Ảnh minh họa).

Công văn đề cập nhiều vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Cụ thể như việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nguyên nhân được chỉ ra (theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp) là do việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19.

Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng. Đồng thời, các địa phương chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (thành phố Hải Phòng chỉ định rõ chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương)... 

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: Thành phố Hải Phòng thì cấm, thành phố Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…

Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.

Đồng thời, chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng (theo quy định tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19) trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài. 

Đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch COVID-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.

Đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản; Cung cấp thông tin cho ngành Công Thương về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương có dịch đẩy mạnh truyền thông về chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn do ngành nông nghiệp và y tế xác nhận (bao gồm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh) để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Đồng thời, chỉ đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn kép../.

Theo vov.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày