Thí điểm dạy tiếng Hàn và tiếng Đức trong chương trình phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức-Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm, được ký ban hành ngày 9/2/2021.
Theo đó, 2 môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu, khả năng của học sinh phổ thông, nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể là: học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3.
Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 35 phút), bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra, đánh giá. Thời lượng tương đương với bậc 1, bậc 2 và bậc 3 lần lượt là 420, 420 tiết và 315 tiết.
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT.
Phương pháp đánh giá kết quả được sử dụng chủ yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn gồm các hình thức: kiểm tra nói, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành. Ngoài đánh giá thông qua các bài kiểm tra, bài thi được thực hiện với sự tham gia của giáo viên, Chương trình cũng chú trọng đến việc tự đánh giá của học sinh, nhằm giúp học sinh tự kiểm soát được kết quả học tập, tạo thói quen, tính chủ động trong học tập, rèn luyện phương pháp tự học. Việc tự đánh giá được thực hiện ở cuối mỗi bài học và sau từng nhóm bài học, từng giai đoạn học tập.
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn cũng áp dụng các phương pháp đánh giá kết quả giáo dục đặc trưng với từng cấp học.
Với Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức, mục tiêu cơ bản là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).
Thời lượng chương trình môn Tiếng Đức cũng tương tự như chương trình môn Tiếng Hàn. Về đầu ra, học sinh học tiếng Đức kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3.
Việc đánh giá hoạt động học tập của học sinh với môn Tiếng Đức phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của Chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kĩ năng giao tiếp ở từng cấp lớp, hướng tới giúp học sinh đạt được các bậc quy định về năng lực giao tiếp khi kết thúc các cấp tiểu học, THCS, THPT.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá cần được thực hiện theo 2 hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá tiến hành thông qua các hình thức khác nhau như định lượng, định tính, kết hợp giữa định lượng và định tính trong cả quá trình học tập; kết hợp đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau của học sinh và tự đánh giá của học sinh.
Các loại hình kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với phương pháp dạy học được áp dụng trong lớp học, bao gồm: kiểm tra nói (hội thoại, đọc thoại), kiểm tra viết dưới dạng tích hợp các kĩ năng và kiến thức ngôn ngữ, kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm khách quan, tự luận và các hình thức đánh giá khác.
Cũng theo Quyết định, môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức được Bộ GD&ĐT xác định là ngoại ngữ 1.
Tuy nhiên, trong phần "đặc điểm môn học" viết: "Môn tiếng Hàn-ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12".
Điều này khiến một số người hiểu rằng môn tiếng Hàn sẽ trở thành môn học ngoại ngữ bắt buộc chứ không phải tiếng Anh như hiện nay; cũng có ý kiến lo lắng rằng kể cả học sinh không có nhu cầu học tiếng Hàn cũng sẽ phải học ngoại ngữ này như một môn học bắt buộc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (GD&ĐT), cho hay đây là quyết định về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những ngoại ngữ 1. Còn chương trình tiếng Hàn, ngoại ngữ 2 thì đã được Bộ GD&ĐT ban hành trước đây.
Với từ “bắt buộc”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay không có nghĩa tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để giải nghĩa cho cụm “ngoại ngữ 1”. Theo đó, nếu trường phổ thông nào đó có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì khi đó tiếng Hàn sẽ là môn học bắt buộc.
Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng được xác định là Ngoại ngữ 1. “Như vậy, học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn”, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích thêm.
Theo chinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết 15.01.2025 | 19:24 PM
- Làm chủ quá trình chuyển đổi số bằng doanh nghiệp công nghệ số 15.01.2025 | 19:30 PM
- Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 15.01.2025 | 19:30 PM
- Rực rỡ chào xuân 15.01.2025 | 19:30 PM
- Cách làm tóp mỡ 'đỉnh cao', chuyên nghiệp như người dân làng Triều Khúc 15.01.2025 | 19:30 PM
- Ngô nướng được coi là 'thần dược mùa đông' nhưng đại kỵ với những người này 15.01.2025 | 17:53 PM
- Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 15.01.2025 | 17:48 PM
- Tới 'Thủ phủ' hoa miền Tây những ngày giáp Tết 15.01.2025 | 17:48 PM
- Top 10 điểm đến nội địa và quốc tế được du khách Việt Nam ưa chuộng nhất năm 2024 15.01.2025 | 17:48 PM
- “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” hứa hẹn những màn trình diễn đặc sắc 15.01.2025 | 17:48 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình