Chủ nhật, 24/11/2024, 17:48[GMT+7]

Thế giới ghi nhận hơn 116,9 triệu ca mắc COVID-19, WHO cảnh báo dịch bệnh có thể quay trở lại lần 3

Chủ nhật, 07/03/2021 | 08:41:43
2,263 lượt xem
Đến sáng 7/3, thế giới có trên 116,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,59 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 116,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với trên 29,6 triệu ca và số trường hợp tử vong cao nhất với hơn 536.700 bệnh nhân. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 42.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 157.800 trường hợp thiệt mạng. Ngày 6/3, Ấn Độ báo cáo hơn 18.600 ca nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVId-19 mới. Như vậy, Brazil vẫn duy trì tổng số người mắc COVID-19 trên 10,8 triệu ca. Đến nay, gần 263.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Thế giới không nên chủ quan trước đại dịch COVID-19 do biến thể virus SARS-CoV-2 từ Brazil có thể lây lan mạnh mẽ sang các nước khác. Đây là cảnh báo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở Brazil có thể lây lan sang các nước khác, khiến làn sóng dịch bệnh nhiều khả năng quay trở lại lần 3, thậm chí lần 4. Do vậy, nếu các nước đang chủ quan do sự xuất hiện của vaccine COVID-19, dịch bệnh có thể phức tạp hơn trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong do COVID-19 ở Brazil đã đạt mức kỷ lục trong tuần qua, và hệ thống y tế của nước này đang trên bờ vực sụp đổ. Ở phương diện toàn cầu, số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại sau 6 tuần, bất chấp vaccine được phân phối trên thế giới.

Thế giới ghi nhận hơn 116,9 triệu ca mắc COVID-19, WHO cảnh báo dịch bệnh có thể quay trở lại lần 3 - Ảnh 1.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Brazil đã đạt mức kỷ lục trong tuần qua. (Ảnh: AP)

Các trường học ở Anh dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3 sau hơn 2 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trước khi đến trường từ 3 đến 5 ngày, các học sinh phải thực hiện 3 lần kiểm tra COVID tại trường. Sau đó, các em sẽ được phát những bộ xét nghiệm để kiểm tra 2 lần mỗi tuần, nếu kết quả âm tính mới được đến trường. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc cho học sinh đi học trở lại là ưu tiên hàng đầu sau lần đóng cửa thứ 3. Anh hiện là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 lớn thứ 5 thế giới với trên 4,2 triệu ca mắc và hơn 124.400 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp tuyên bố, nước này có thể ngăn chặn xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 ra nước ngoài. Động thái này tương tự như của Italy. Hiện khoảng 6% ca mắc COVID-19 tại Pháp là các biến thể có nguồn gốc từ Brazil và Nam Phi, có khả năng lây nhiễm cao hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp cho biết, chính quyền nước này đang nỗ lực để tránh một đợt phong tỏa toàn quốc mới, nhưng Chính phủ sẽ để ngỏ mọi phương án. Ngoài ra, cũng có lý do để tin rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 của Pháp sẽ cải thiện trong vòng 4 - 6 tuần tới, khi có thêm nhiều công dân được tiêm chủng vaccine. Chính phủ Pháp đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 30 triệu người dân đến mùa hè này.

Bỉ đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Động thái được đưa ra sau khi Ủy ban Tham vấn của Bỉ đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại nước này. Lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch gồm 3 bước vào tháng 3, 4 và 5. Cụ thể, từ ngày 8/3, số lượng tối đa người tiếp xúc ngoài trời được tăng từ 4 lên 10 người, kèm theo việc tuân thủ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Từ ngày 15/3, học sinh tiểu học và trung học cơ sở được tham dự hoạt động ngoài trời 1 ngày trong tuần. Sinh viên đại học sẽ đến trường học 1 ngày/tuần. Từ tháng 4, các chương trình ngoại khóa ngoài trời cho trẻ em dưới 13 tuổi được nối lại với giới hạn tối đa 25 người tham dự. Từ ngày 19/4, học sinh trung học cơ sở sẽ đến trường 100%. Hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới vẫn bị cấm ít nhất cho đến ngày 18/4.

Thế giới ghi nhận hơn 116,9 triệu ca mắc COVID-19, WHO cảnh báo dịch bệnh có thể quay trở lại lần 3 - Ảnh 2.

Tại Czech, cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong vì COVID-19, mức cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Cộng hòa Czech hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Theo đó, cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong. Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát, vào cuối tháng 2 vừa qua, Cộng hòa Czech đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới. Đặc biệt, do hệ thống y tế quá tải, Bộ Y tế nước này đã phải đề nghị sự giúp đỡ từ các quốc gia láng giềng.

Trong khi số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm trong 6 tuần liên tiếp, Cộng hòa Czech vẫn tiếp tục trải qua những ngày có số ca nhiễm mới ở gần mức kỷ lục. Nhiều bệnh viện của Czech đã tuyên bố tình trạng tồi tệ hiện nay là "sự kiện thương vong hàng loạt", tức không phải bệnh nhân nào cũng sẽ nhận được sự chăm sóc y tế tối thiểu. Bộ Y tế Cộng hòa Czech đã đề nghị Đức, Thụy Sỹ và Ba Lan hỗ trợ bằng cách tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của nước này trong bối cảnh các bệnh viện ở Czech đang bị quá tải.

Ngày 6/3, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cấm các cuộc tụ tập công cộng hay biểu tình mà có thể làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh có nguy cơ cao. Những người vi phạm lệnh này sẽ phải đối mặt với hình phạt 2 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 40.000 Baht (1.300 USD), hoặc cả hai hình phạt. 32 đại đội cảnh sát kiểm soát đám đông (gồm khoảng 4.800 cảnh sát) đã sẵn sàng nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn công cộng.

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai trên toàn thế giới, Thái Lan và Thụy Điển đang thể hiện sự ủng hộ "hộ chiếu vaccine". Tân Hoa xã cho biết, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine". Kế hoạch ban đầu sẽ liên quan đến công tác phát hành chứng nhận cho các du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến Thái Lan, cho phép họ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, Bangkok cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách Thái Lan.

Trong khi đó, Thụy Điển đang phát triển chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 kỹ thuật số để sử dụng trong các chuyến du lịch quốc tế. Mục tiêu là đưa hệ thống này đi vào hoạt động vào ngày 1/6 tới.

Theo vtv.vn