Chủ nhật, 19/01/2025, 10:11[GMT+7]

Hơn 117,3 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch gây chấn thương tâm lý hơn cả Thế chiến II

Thứ 2, 08/03/2021 | 08:10:43
1,513 lượt xem
Đến sáng 8/3, trên thế giới có hơn 117,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,6 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 117,3 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh COVID-19 với trên 29,6 triệu ca mắc và hơn 537.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 32.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 157.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 7/3, Ấn Độ báo cáo gần 18.700 người nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Hiện tổng số ca mắc tại Brazil là trên 10,9 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 264.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vaccine COVID-19 và hiện đang có 3 loại vaccine phòng dịch đã được đăng ký, Nga đang tăng tốc sản xuất vaccine và mở rộng mạng lưới tiêm chủng trên toàn liên bang. Tạo mọi điều kiện để người dân có nhu cầu được tiếp cận vaccine là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong chương trình tiêm chủng của Nga. Nga vẫn là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới với trên 4,3 triệu ca mắc và hơn 89.000 người tử vong.

Hơn 117,3 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch gây chấn thương tâm lý hơn cả Thế chiến II - Ảnh 1.

Nga vẫn là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP)

Từ ngày 8/3, các trường học tại Anh sẽ mở cửa trở lại cho học sinh các cấp. Tất cả học sinh sẽ phải xét nghiệm tại chỗ và xét nghiệm 2 lần trong 14 ngày sau ngày quay lại trường học. Bộ Giáo dục Anh đang cân nhắc kéo dài niên khóa năm nay, hoặc cho thời gian học trong 1 ngày dài hơn để giúp học sinh bắt kịp chương trình. Mở cửa trường học là bước đầu tiên trong kế hoạch mở cửa toàn bộ nền kinh tế của Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau trường học sẽ đến các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu. Mục tiêu là đến ngày 21/6, Anh có thể dỡ bỏ các hạn chế.

Ở Hàn Quốc đang xuất hiện tâm lý do dự tiêm vaccine do lo ngại về tác dụng phụ. Một số trường hợp tử vong được ghi nhận sau khi tiêm đều có bệnh nền như rối loạn tim, tiểu đường và các bệnh mạch máu não. Tuy nhiên, chuyên gia Hàn Quốc về các bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp và bệnh hô hấp lưu ý, những ca tử vong này không nên là lý do để mọi người từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm chủng vì chưa chứng minh được mối liên quan giữa các ca tử vong và việc tiêm vaccine. Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Hàn Quốc bắt đầu từ cuối tháng 2 vừa qua. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11/2021.

Hơn 117,3 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch gây chấn thương tâm lý hơn cả Thế chiến II - Ảnh 2.

Giới chức Hàn Quốc kêu gọi người mắc bệnh nền đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)

Campuchia thông báo đã có thêm 31 ca dương tính với COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 7/3. Các ca dương tính xuất hiện thêm ở 2 tỉnh Prey Veng và Kampong Thom, khiến tình hình dịch bệnh càng thêm phức tạp. Trong số 31 ca, có đến 21 công dân Trung Quốc. Tỉnh Preah Sihanouk tiếp tục là điểm nóng khi có thêm 15 người dương tính liên quan tới sự cố lây nhiễm ngày 20/2. Tổng cộng có 29 ca dương tính ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk, và đặc biệt có thêm 2 trường hợp ở tỉnh Prey Veng và Kampong Thom. Như vậy, liên quan đến "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2" ở thủ đô Phnom Penh, đã có gần 500 ca dương tính và đã lây lan sang 5 địa phương khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, đại dịch COVID-19 tác động và gây chấn thương tâm lý quy mô lớn hơn cả Thế chiến II với ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm tới. Do đó, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, "các quốc gia phải nhìn rõ quy mô tác động của đại dịch đúng như thế và phải chuẩn bị để đối phó cho đúng". Trong đại dịch COVID-19, gần như cá nhân nào trên thế giới cũng bị tác động. Có nhiều tác động khác nhau như mất người thân, bạn bè, mất việc làm, buộc phải ở nhà trong hoàn cảnh rất khó khăn... Các nhân viên y tế trên toàn thế giới phải đối mặt với áp lực lớn. Theo WHO, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội phải là trọng tâm của tất cả các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày