Thứ 6, 08/11/2024, 05:28[GMT+7]

Khát vọng xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình

Thứ 3, 09/03/2021 | 09:09:21
4,980 lượt xem
Măng tây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, tuy nhiên nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ loại cây trồng này - đó là chia sẻ, cũng là trăn trở của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ (HTX NNHC) Quỳnh Phụ ở xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) khi thực hiện dự án phát triển chuỗi nhà vườn măng tây tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Vườn măng tây của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ.

Ông cũng quyết tâm xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình nhằm đánh thức tiềm năng đất đai và tạo ra cơ hội đổi đời cho nông dân.

Nhiều người dân trong tỉnh đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Thành Trung có mặt ở các hội chợ để giới thiệu và bán các sản phẩm NNHC của nông dân như khoai tây, vừng, lạc, đậu tương và măng tây. Nhưng ít người biết rằng ông đang sở hữu một vườn măng tây rộng 4,5ha ở xã Quỳnh Giao cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Ông Trung cho biết: Cây măng tây xuất hiện ở Thái Bình cách đây hàng chục năm nhưng chưa phát huy hiệu quả kinh tế và không thể nhân rộng diện tích. Nhiều nông dân đã đầu tư trồng măng tây xong lại phải bỏ, nguyên nhân chính vẫn là thiếu kiến thức về trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau khi tự nghiên cứu và học hỏi, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành của Viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Trung hiểu rằng cây măng tây không dễ trồng, vốn đầu tư lớn nhưng nó mang lại thu nhập rất cao nên nhận thấy đây chính là cơ hội làm giàu và quyết tâm đầu tư. Ông sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để kiểm soát độ ẩm của đất, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, cắt tỉa thay thế cây chủ nhằm bảo đảm cho cây măng tây luôn khỏe, phát triển lâu dài và cho sản lượng cao nhất. Mỗi héc-ta, ông thu hoạch được gần 12 tấn măng/năm, ngoài ngọn măng được bán cho các nhà hàng, khách sạn, phần còn lại được chế biến thành trà thảo dược măng tây nên cho giá trị đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm thuận lợi, ông Trung mong muốn phát triển vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm măng tây cho chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân trong tỉnh. Để hiện thực ước mơ đó, ông đã vận động 7 thành viên tham gia góp vốn hơn 5 tỷ đồng, thành lập HTX NNHC Quỳnh Phụ, đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây ở một số địa phương trong tỉnh. Đến nay, HTX đã liên kết đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho 6 nhà vườn trồng măng tây của các hộ nông dân ở 4 huyện: Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng. Ông Phạm Văn Lành, xã Vũ Hội (Vũ Thư) chia sẻ: Tôi tham gia liên kết với HTX NNHC Quỳnh Phụ để trồng 1 mẫu măng tây. Vốn đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng gồm giống, phân bón, công làm đất và trồng; khi thu hoạch sản lượng đạt hơn 4 tấn/năm, bán với giá 55.000 đồng/kg cho thu nhập 220 triệu đồng.

Cũng như ông Lành, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao và được tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tây, vừa qua, bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Mê Linh (Đông Hưng) cũng liên kết với HTX NNHC Quỳnh Phụ, thuê mượn tích tụ ruộng đất của nông dân trong xã được gần 1ha đầu tư trồng măng tây. Bà Hoa cho biết: Những bờ xôi ruộng mật một thời của nông dân bị bỏ hoang vì không có người canh tác và hiệu quả kinh tế không cao, tôi rất xót xa nên mạnh dạn vận động bà con cho thuê lại để đầu tư trồng măng tây. Nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, có máy móc hỗ trợ sản xuất, có đầu ra tiêu thụ ổn định tôi tin mô hình sẽ thành công.

Trước mắt, mục tiêu của HTX NNHC Quỳnh Phụ phấn đấu phát triển khoảng 100ha trồng măng tây bảo đảm đủ sản lượng cung cấp cho khách hàng. Được biết, các sản phẩm măng tây xanh và trà măng tây xanh của HTX đều được đăng ký và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để sản phẩm từ măng tây của HTX NNHC Quỳnh Phụ tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng và thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng lớn. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thành Trung cho biết: Đích cuối của HTX NNHC Quỳnh Phụ hướng đến là xây dựng vùng nguyên liệu măng tây đủ lớn, kiểm soát tốt về chất lượng và liên kết các nhà vườn lại cùng chung tay xây dựng thương hiệu măng tây Thái Bình trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hướng tới xuất khẩu loại nông sản này.

Khắc Duẩn