Thứ 6, 27/12/2024, 20:09[GMT+7]

2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới bị phá hủy hoặc suy thoái trên toàn cầu

Thứ 4, 10/03/2021 | 08:23:53
2,372 lượt xem
Con người đã làm suy thoái hoặc phá hủy khoảng 2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới.

Cháy rừng Amazon ở Brazil. (Ảnh: AP)

Thực trạng gần 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới bị suy thoái hoặc phá hủy gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu đang nhanh chóng biến mất. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lượng khí thải tăng, khiến Trái đất nóng lên khi thảm thực vật rừng nhiệt đới rậm rạp là nguồn hấp thụ khí carbon lớn nhất.

Theo một phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Rainforest, việc khai thác gỗ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp, đã xóa sổ 34% diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới và làm suy thoái thêm 30% diện tích rừng khác, khiến chúng dễ bị cháy và tàn phá trong tương lai. Theo đó, khi nhiều khu rừng nhiệt đới bị phá hủy, càng có nhiều nguy cơ khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng, khi đó những diện tích rừng còn lại càng khó để tồn tại.

2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới bị phá hủy hoặc suy thoái trên toàn cầu - Ảnh 1.

Phá rừng lấy đất và gỗ ở Amazon tại khu vực Nam Mỹ. (Ảnh: RTE)

Hơn một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh bị tàn phá kể từ năm 2002 nằm ở Amazon tại khu vực Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới giáp ranh.

Theo một báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, tỷ lệ rừng bị phá hủy trong năm 2019 gần ngang bằng với mức độ tàn phá hàng năm trong 20 năm qua, với diện tích rừng tương đương một sân bóng biến mất sau mỗi 6 giây.

Rừng Amazon của Brazil đã phải chịu áp lực rất lớn trong những thập kỷ gần đây. Thực trạng bùng nổ nông nghiệp đã khiến nông dân và những người đầu cơ đất đốt rừng lấy đất trồng đậu nành, nuôi bò lấy thịt và trồng các loại cây nông nghiệp khác.

Các hòn đảo Đông Nam Á, phần lớn ở Indonesia, xếp thứ hai về tỷ lệ tàn phá rừng kể từ năm 2002, với phần lớn rừng bị chặt phá để trồng cọ lấy dầu. Khu vực Trung Phi đứng thứ ba với phần lớn tình trạng phá rừng tập trung ở xung quanh lưu vực sông Congo do canh tác nông nghiệp và thương mại cũng như khai thác gỗ. Các khu rừng được xác định trong báo cáo là suy thoái đã bị phá hủy một phần hoặc phá hủy hoàn toàn, sau đó được thay thế bằng rừng thứ sinh.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày