Thứ 7, 23/11/2024, 03:36[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Thứ 4, 10/03/2021 | 08:52:39
2,711 lượt xem
Sau khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò xuất hiện trên đàn bò tại xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều biện pháp xử lý ổ dịch, chỉ đạo các địa phương, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục.

Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đến hết ngày 7/3 trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ dịch bệnh VDNC ở trâu, bò đã xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi tại thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến và 1 hộ ở thôn Đông, xã An Thanh với 6 con bò cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh VDNC trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, tổ chức các đoàn liên ngành trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại các địa phương xuất hiện dịch bệnh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật bám nắm cơ sở, giám sát dịch bệnh và kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch. Chỉ đạo các địa phương tuân thủ nghiêm việc cách ly nuôi nhốt, chăm sóc và điều trị triệu chứng kế phát số bò bị nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Cấp 200 lít hóa chất cho 2 xã Đồng Tiến, An Thanh cùng 1.000 lít hóa chất dự trữ cho các xã trong huyện thực hiện đồng bộ công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn.

Ông Hà Quang Lưu, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Đồng Tiến cho biết: Địa phương hiện có 35 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn 178 con. Sau khi phát hiện dịch bệnh, xã đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống. Lực lượng chăn nuôi thú y của xã hướng dẫn và điều trị các cá thể bò bị nhiễm bệnh tại 2 hộ có dịch. Tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không vận chuyển, bán, giết mổ trâu, bò có biểu hiện của bệnh VDNC. 

Ông H.V.D, thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến chia sẻ, gia đình ông chăn nuôi theo quy mô gia trại tổng hợp, tổng đàn bò hiện có 14 con gồm 9 bò sinh sản, 2 bò hậu bị và 3 bê con, đàn bò đã được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Từ ngày 27/2, trong đàn phát hiện 1 con bò sinh sản giảm ăn, sốt, trên da có hiện tượng nổi u cục, tập trung ở vùng yếm, cổ. Song song với việc báo cáo và làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, gia đình đã chủ động cách ly, chăm sóc nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho bò bệnh. Các con còn lại trong đàn vẫn khỏe mạnh, chưa thấy dấu hiệu của bệnh.

Huyện Quỳnh Phụ hiện có tổng đàn trâu, bò trên 7.500 con, tập trung tại các xã duyên giang có diện tích mặt bằng lớn, thuận lợi cho phát triển đồng cỏ. Trên địa bàn hiện có 22 trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 20 - 50 con bò sinh sản, 50 - 100 con bò thịt, được đầu tư về chuồng trại, con giống và nguồn nguyên liệu thức ăn, đệm lót sinh học. Trước tình hình dịch, thời gian tới, huyện Quỳnh Phụ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng, phát hiện dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh theo quy định. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo kế hoạch của tỉnh, của huyện; huy động nguồn lực, hóa chất, vôi bột của người chăn nuôi và các địa phương để tổ chức thực hiện đồng bộ trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC và vắc-xin phòng các bệnh khác cho đàn vật nuôi. Tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển trâu, bò, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết và phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng hóa chất, vôi bột để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt các loại côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh. Giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của đàn gia súc, kịp thời khai báo dịch bệnh với ban chăn nuôi và thú y, chính quyền địa phương, chấp hành nghiêm các quy định về xử lý dịch bệnh.

Trịnh Cường