Thứ 7, 23/11/2024, 01:13[GMT+7]

Hơn 120,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, Brazil vượt Ấn Độ thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới

Thứ 2, 15/03/2021 | 08:33:31
3,158 lượt xem
Đến sáng 15/3, thế giới có trên 120,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,66 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 120,3 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch COVID-19 với trên 30 triệu ca mắc và hơn 546.900 trường hợp tử vong. Ngày 14/3, Mỹ ghi nhận thêm hơn 28.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh những tranh cãi liên quan tới khẩu trang, nước Mỹ còn phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc thuyết phục người dân thực hiện tiêm vaccine COVID-19. Theo đó, có một bộ phận người dân Mỹ vẫn chưa tin tưởng vào các loại vaccine đã được cấp phép hiện nay để đi tiêm chủng.

Brazil đã vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới với tổng cộng trên 11,4 triệu người nhiễm bệnh và hơn 277.200 trường hợp tử vong. Ngày 14/3, Brazil không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh mới.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận trên 26.500 ca mắc COVID-19 mới, số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất trong năm 2021, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 11,3 triệu trường hợp. Đến nay, trên 158.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Tâm dịch hiện nay của Ấn Độ là bang Maharashtra. Nhiều tỉnh đã phải phong tỏa và tái ắp đặt giới nghiêm trong ít nhất 1 tuần kể từ ngày 15/3. Từ tháng 9/2020, số ca nhiễm ở Ấn Độ đã từ từ giảm, nhưng ngay sau khi các lệnh giãn cách được nới lỏng từ tháng 2 vừa qua, số ca nhiễm lại tăng vọt.

Hơn 120,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, Brazil vượt Ấn Độ thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Brazil trở thành tâm dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. (Ảnh: AP)

Ngày 14/3, Nga có thêm hơn 10.000 ca mắc COVID-19 mới, tăng mạnh sau gần 1 tuần có số trường hợp nhiễm mới giảm. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại thủ đô Moscow đã vượt 1 triệu ca trong ngày 14/3. Con số tổng thể là cao, nhưng trên thực tế số ca nhiễm tại thủ đô của Nga đã giảm dần kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ tháng 12/2020. Do đó, nhiều hạn chế đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ tại Moscow. Hiện Nga là điểm nóng COVID-19 lớn thứ tư thế giới với trên 4,3 triệu ca mắc và hơn 92.000 trường hợp thiệt mạng.

Italy cho biết, nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 năm nay sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 80% dân số. Theo giới chức Italy, nước này sẽ tiêm ở mức tối đa công suất với 500.000 liều mỗi ngày. Trong thời gian tới, Italy dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm các lô vaccine mới và đến quý II, nước này sẽ nhận tổng cộng 52,5 triệu liều, quý III là 84,9 triệu liều.

Để thực hiện mục tiêu tiêm chủng, ngoài các cơ sở y tế, Italy sẽ sử dụng các doanh trại quân đội, xưởng sản xuất, siêu thị bán lẻ, trung tâm tập gym, trường học và các cơ sở của nhà thờ làm địa điểm triển khai tiêm chủng. Hiện chưa đến 51 triệu người ở Italy đủ điều kiện tiêm vaccine, trong đó 60% có thể được tiêm chủng vào cuối tháng 7, ngưỡng đầu tiên có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Bộ Y tế Iran đã cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới sau dịp lễ Năm mới Nowruz bắt đầu vào tuần này. Hiện tinh thần phòng dịch và việc tuân thủ các quy định y tế của người dân ở đây đang tương đối lỏng lẻo. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể mới ngày một tăng tại quốc gia này. Việc đi lại và tụ tập trong dịp lễ Nowruz sẽ là nguy cơ nghiêm trọng. Bộ Y tế Iran đề nghị, người dân tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, tránh di chuyển nếu không cần thiết và chú ý giãn cách. Trong 24 giờ qua, Iran có thêm gần 7.600 ca mắc COVID-19 và 88 ca tử vong. Tổng cộng hơn 1,7 triệu người ở nước này đã nhiễm bệnh.

Hơn 120,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, Brazil vượt Ấn Độ thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

Ca nhiễm biến thể mới từ Brazil đã xuất hiện tại Philippines. (Ảnh: AP)

Philippines trong ngày 14/3 đã ghi nhận khoảng 4.900 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên gần 621.500 trường hợp. Đáng lo ngại là tại Philippines đã xuất hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới từ Brazil. Đồng thời, Bộ Y tế nước này cũng xác nhận là có cả biến thể nội địa. Chính phủ Philippines kêu gọi người dân cảnh giác. Các chuyên gia cho rằng, tình hình lây lan ở Philippines vẫn đang phức tạp vì người dân lơ là các biện pháp phòng dịch. Thủ đô Manila đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm 2 tuần tại một số khu vực bắt đầu từ ngày 15/3.

Hàn Quốc cũng có số ca nhiễm mới trong ngày 14/3 ở mức cao nhất trong gần 1 tháng với 459 trường hợp. Trong 5 ngày liên tiếp, nước này có hơn 400 ca nhiễm mới mỗi ngày. Chính phủ Hàn Quốc sẽ ra lệnh gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Hàn Quốc có hơn 95.600 ca nhiễm, gần 70% trong số này là từ khu vực Seoul và lân cận.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 320 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân bổ và tiêm tại hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine rất không công bằng. Hơn 80% số lượng vaccine đã được dùng chỉ tại 10 quốc gia. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine đang trầm trọng hơn và không khó để thấy danh sách ưu tiên cho vaccine không công bằng ở mọi cấp độ.

Theo vtv.vn