Thứ 5, 28/11/2024, 21:43[GMT+7]

Ăn nhạt: Cần hiểu rộng hơn

Thứ 2, 15/03/2021 | 09:25:22
915 lượt xem
Khi quý vị đi khám bệnh, bác sĩ thông báo đã mắc các bệnh như tim mạch, cao huyết áp, tổn thương cầu thận... Ngoài kê toa thuốc điều trị, bác sĩ còn khuyên nhiều điều khác nữa, đặc biệt là khuyên bệnh nhân nên ăn nhạt; thế là quý vị tá hỏa, về nhà việc đầu tiên là thu dọn bếp núc, bỏ hết các thủ phạm gây mặn như muối, nước mắm, tương, xì dầu...

Nấu các món ăn thì nhạt thê nhạt thếch, nhiều khi làm sứt mẻ cả tình cảm gia đình vì ăn uống. Quý vị đừng có cực đoan như vậy, vừa phản khoa học vừa phá vỡ tình cảm và hạnh phúc gia đình.

1. Điều đầu tiên là phải tìm hiểu rộng hơn về ăn nhạt

Đừng nên hiểu đơn giản ăn nhạt chỉ là ăn nhạt muối là đủ, hiểu như vậy là chưa toàn diện. Nhạt ở đây nên hiểu là đừng ăn đậm quá nên giảm đi một chút những thứ mà cơ thể chúng ta đang dư thừa. Nếu bạn bị các bệnh như tim mạch, cao huyết áp, tổn thương cầu thận... thì ăn giảm mặn (nhạt mắm muối); nếu người béo thì nên ăn giảm dầu mỡ (nhạt dầu mỡ); nếu người bệnh gout thì ăn giảm thịt (nhạt thịt); nếu người bệnh tiểu đường thì ăn (nhạt đường) giảm ngọt và giảm tinh bột vì tinh bột chuyển hóa thành đường.
Tóm lại, về mặt nguyên tắc nếu cơ thể dư thừa chất gì thì nên ăn nhạt (giảm độ đậm) chất đó đi một chút.

2. Điều thứ hai là phải biết ăn nhạt đúng cách

- Đừng bao giờ kiêng tuyệt đối một chất gì mà cơ thể đang cần chất đó cho sự sống. Chỉ ăn giảm đi một chút (ăn nhạt hơn) đối với những thứ mà cơ thể đang dư thừa. Có nghĩa là thừa mỡ thì giảm mỡ, thừa đường thì giảm đường, thừa thịt thì giảm thịt, thừa muối thì giảm muối, thừa vitamin thì giảm vitamin... Về cơ bản chúng ta nên hiểu chung là như vậy, còn với từng người cụ thể, từng loại bệnh khác nhau thì phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.

- Định kỳ làm các xét nghiệm để tầm soát, theo dõi và điều chỉnh xem cần ăn nhạt thứ gì cho phù hợp. Tốt nhất, người bình thường nên xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần. Đối với bệnh nhân có bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, bệnh gout... thì nên xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

3. Điều thứ ba là ăn rau, củ, quả cũng cần phải lưu ý trong ăn nhạt

Theo Đông y, rau, củ, quả cũng là loại thuốc nam, có rau, củ, quả mặn như rau cải, củ cải, rau bí nhiều kali; có rau nhạt như xà lách, rau muống, bình tính; có rau nhớt như mồng tơi, rau đay, rau khoai lang, làm nhuận tràng, chống táo bón; đặc biệt, rau ngót có tác dụng tăng co cơ tử cung phụ nữ, vì vậy trong khi mang thai không được ăn rau ngót vì nó làm tăng nguy cơ sảy thai, nhưng sau đẻ ăn rau ngót lại rất tốt vì nó tăng co tử cung vừa cầm máu sau đẻ vừa đẩy sạch sản dịch ra ngoài. Phụ nữ vào cuối những ngày hành kinh nên ăn rau ngót rất tốt, sẽ nhanh sạch, nhanh lành, nhiều vitamin C tăng hồi phục sức khỏe.

Cho nên, tùy vào lúc nào, bị bệnh gì thì nên ăn rau, củ, quả gì cho phù hợp, bạn đọc nên tìm hiểu sâu hơn về dinh dưỡng và tác dụng của các loại rau, củ, quả.

Có thơ rằng:

Biết nấu ăn ngon ắt khỏe người

Mặn nhạt do mình nếm chỉnh thôi

Dâu con cháu chắt siêng học hỏi

Bếp núc chăm ngoan đẹp nét đời.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

  • Từ khóa