Thứ 7, 11/01/2025, 14:03[GMT+7]

Thành phố: Nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả

Thứ 3, 16/03/2021 | 09:32:38
1,828 lượt xem
Bình xét công khai, cho vay đúng đối tượng nên nhiều năm qua nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố Thái Bình đã phát huy được hiệu quả. Nhiều hội viên nông dân nhờ tiếp cận được nguồn vốn đã mạnh dạn đầu tư sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình phát triển kinh tế của nông dân Vũ Đình Văn, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn Trần Phú, xã Đông Thọ chuyển đổi 6 sào ruộng từ năm 2013 để làm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, trồng 15 gốc bưởi, 30 gốc mít, 10 gốc nhãn và đào ao thả cá truyền thống. Ông Thành cho biết: Gia đình tôi được vay 100 triệu đồng đầu tư mua cây, con giống. Hiện nay mô hình đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, đây là nguồn thu cao đối với vợ chồng tôi.

Chị Phạm Thị Thuận, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thọ cũng được Hội Nông dân thành phố tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để trồng quất, đào cảnh. Mô hình của chị có hơn 100 gốc đào cảnh, 300 gốc quất chum, sau khi trừ chi phí chị thu về từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Theo chị Thuận, nguồn vốn vay từ hội nông dân đã giúp gia đình chị giải bài toán về vốn. Với số tiền được vay thêm, chị sẽ đầu tư để thuê thêm đất, mua phân bón, lắp hệ thống máy tưới để từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Hà Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thọ cho biết: Hội Nông dân xã bình xét cho vay đối với hội viên một cách kỹ lưỡng, đúng tiêu chuẩn. Năm 2021, Hội cho 8 hộ vay với tổng số tiền 400 triệu đồng để mở rộng sản xuất, đầu tư trồng cây quất cảnh. Những hội viên sau khi đưa ra định hướng phát triển kinh tế cũng như mục đích sử dụng nguồn vốn vay của gia đình sẽ được các thành viên trong tổ bình xét hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cho vay. Hội thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để bảo đảm nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng nợ đọng, nợ quá hạn.

Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Không chỉ ở Đông Thọ, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 6 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả cao dưới hình thức các tổ hợp tác gồm: 2 tổ hợp tác trồng rau an toàn tại xã Vũ Phúc, 1 tổ hợp tác trồng cây quất cảnh tại xã Đông Thọ, 1 tổ hợp tác trồng cây đào cảnh tại phường Hoàng Diệu... Đây là những mô hình được Hội Nông dân thành phố xây dựng làm mô hình điểm phát triển kinh tế và cũng là sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trong năm 2020, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hơn 130 buổi tuyên truyền cho hơn 9.600 lượt người về các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mở 113 lớp học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 7.400 lượt hội viên; tín chấp với các ngân hàng hơn 78,7 tỷ đồng cho hơn 1.900 hội viên vay; tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đến nay đạt hơn 1,9 tỷ đồng cho 4 dự án với 46 gia đình hội viên vay phát triển kinh tế. Nhìn chung, hội viên nông dân phấn khởi khi được tạo điều kiện vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài.

Ông Nguyễn Cao Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình

Năm 2020, tổ hợp tác trồng cây quất cảnh bảo vệ môi trường xã Đông Thọ đã đem về nguồn thu gần 8 tỷ đồng cho địa phương. Đây là con số thiết thực, thể hiện rõ tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế của xã Đông Thọ. Chúng tôi mong hội nông dân các cấp sẽ luôn là người bạn đồng hành với hội viên, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, con giống, vốn vay... để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình

Xã Đông Hòa có trên 3.000 hộ dân trong đó hơn 700 hộ tham gia trồng cây quất cảnh. Mỗi năm chúng tôi xuất bán trên 10.000 cây quất cảnh các loại, đem về nguồn thu từ 40 - 50 tỷ đồng. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách hỗ trợ để giúp hội viên nông dân chuyển đổi các diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây, chăn nuôi đem lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.  


Tiến Đạt