Thứ 4, 15/01/2025, 23:46[GMT+7]

Cổng Ma-rốc tại Ba Vì: biểu tượng của “Tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc"

Thứ 4, 24/03/2021 | 12:33:48
15,544 lượt xem
Đằng sau chiếc cổng chào đậm nét kiến trúc Ma-rốc cổ, nhuốm màu thời gian là những câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Cổng Ma - rốc tại Ba Vì. Ảnh: Báo TG&VN

Đầu thế kỷ 20, rất nhiều thanh niên Ma-rốc buộc phải gia nhập những đội quân viễn chinh của chính quốc gia đang xâm chiếm Ma-rốc sang xâm chiếm, đàn áp các phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Sang Việt Nam, họ thấy thật vô nghĩa khi đứng trong hàng ngũ của đội quân xâm lược, phải cầm súng bắn vào những người dân đang đấu tranh vì quyền lợi chính đáng để được sống trong độc lập, tự do. Cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những chàng trai Ma-rốc. Họ quay sang ủng hộ và gia nhập Việt Minh, chẳng ngại gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 300 chàng trai Ma-rốc cùng 100 công nhân Việt Nam tới vùng núi Ba Vì khai hoang, mở nông trường. Tại đây, họ đã xây dựng Cổng Ma-rốc như một công trình biểu tượng cho tình yêu của họ dành cho Việt Nam, thể hiện mong muốn coi Việt Nam như quê nhà. Họ đã sống, chiến đấu vì Việt Nam, hệt như những người dân Việt Nam thực thụ. Rất nhiều cô gái Việt Nam đã cảm mến, nên vợ thành chồng với các chàng trai Ma-rốc chân chất, mộc mạc. Sau này, khi Chính phủ Ma-rốc có chính sách hồi hương với những người Ma-rốc ở nước ngoài, nhiều cô gái Việt Nam cũng khăn gói cùng chồng con trở về Ma -rốc.

Cổng sao chép trung thành phong cách Ma-rốc cổ điển, có chiều cao tám thước, với vòm cổng, cột trụ và những dải phù điêu trang trí. Trước đó, Cổng Ma-rốc còn có tên gọi khác là cổng Việt – Phi, cửa Vĩnh Hằng hay cửa Bất tử. Do cảnh quan đẹp và có ý nghĩa quốc tế nên các vị khách nước ngoài lúc bấy giờ thường lui tới nghỉ ngơi viết lách tại nông trường như nữ văn sĩ Pháp Madeleine Riffaud, nhà báo Australia Wiliam Buchet, đạo diễn điện ảnh Nga Agida Ibrahim, đạo diễn điện ảnh Việt Nam Phạm Văn Khoa, Tổng Bí thư Đảng CS Ma-rốc Aliyata, cán bộ Đảng CS Angeria Cherifi cũng từng lên gặp gỡ anh em ở đây.

Đến năm 1969, một nữ giáo sư Đại học Văn khoa Paris đến thăm cổng Ma-rốc và nhận thấy đây là một biểu tượng đầy tính nhân văn. Bà đã đề nghị Hòa thượng Thích Chơn Thiện, bấy giờ là Đại biểu Quốc hội, đặt tên cho chiếc cổng này. Cái tên Linh Quang Môn ra đời từ đó với ý nghĩa là nhân loại rộng lớn nhưng có mẫu số chung là tình người và cho dù trong hoàn cảnh khốn khó nào, điểm linh quang vẫn có thể phát sáng dẫn dắt con người ra khỏi mê tối, hướng thiện.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2008, Thủ tướng Maroc Abaddi Nejaned đã đến thăm Cổng Ma-rốc. Bên cạnh chiếc cổng chào, Đại sứ quán Ma-rốc đã cho dựng một tấm bia ghi lại lịch sử của di sản này với lời kết: “Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người”.

Hơn nửa thế kỷ qua, chiếc cổng Ma-rốc vẫn còn nguyên vẹn dưới chân núi Ba Vì. Cổng này hiện nằm trên đất của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Thời gian gần đây, dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Ma-rốc, Cổng Ma-rốc đã được chính quyền Hà Nội tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Ông Nghiêm Hữu Phúc, từng là cán bộ phụ trách chăn nuôi của nông trường Việt Phi và một hàng binh châu Phi bên chiếc cổng Ma-rốc. Ảnh: Báo Nhân dân 

Năm 2018, Cổng Ma-rốc đã được Sở VH-TT Hà Nội trùng tu bao gồm: chám vá, khôi phục lại các họa tiết hoa văn bị mất nét, quét vôi theo màu sắc cũ, lát phần nền và bó nền bằng đá nguyên khối. Việc tu bổ, tôn tạo cổng Ma-rốc nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị di tích. Trong xu thế hội nhập quốc tế khi quan hệ của hai nước Việt Nam và Ma-rốc ngày càng toàn diện, đây là địa điểm thăm quan và là điểm nhấn du lịch rất quan trọng minh chứng cho sự gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc, khẳng định mối quan hệ quốc tế, tình đoàn kết và sự hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam - Ma-rốc. 

Theo thoidai.com.vn