Thứ 7, 23/11/2024, 07:26[GMT+7]

Cơ quan dược phẩm châu Âu: Không có bằng chứng để hạn chế sử dụng vắc xin AstraZeneca

Thứ 5, 01/04/2021 | 08:24:25
2,171 lượt xem
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1/4, thế giới ghi nhận tổng cộng 129.424.942 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 2.826.572 người không qua khỏi do căn bệnh này.

Nga đã đăng ký vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới dành cho thú cưng.

Ngày 31/3, sau khi điều tra mối liên hệ giữa vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và hiện tượng hình thành huyết khối sau khi tiêm, các chuyên gia cho biết, không phát hiện yếu tố nguy cơ cụ thể nào như tuổi tác, giới tính hay tiền sử bệnh lý. Kết luận trên được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) công bố sau cuộc họp với các chuyên gia về phát hiện mới trong cuộc điều tra 62 trường hợp xuất hiện huyết khối hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca.

EMA khẳng định dựa trên những kiến thức khoa học hiện nay, không có bằng chứng để hạn chế sử dụng vắc xin AstraZeneca đối với bất cứ nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, EMA nêu rõ, ủy ban an toàn của cơ quan này đang phân tích bổ sung và dự kiến sẽ đưa ra những khuyến nghị mới nhất về vắc xin của AstraZeneca trong cuộc họp hằng tháng diễn ra tuần tới.

Châu Âu

Trong khi Hungary và Ukaine ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất theo ngày từ trước tới nay, Bulgaria cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có trong 1 ngày với 5.176 ca. Các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy, trong vài ngày gần đây, quốc gia Trung Âu này có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất thế giới. Hệ thống y tế của Hungary đang đứng trước nguy cơ quá tải, bất chấp 1/5 dân số trong tổng số 10 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng vắc xin. 

Trong khi đó, chính phủ Anh cảnh báo người dân cần nghiêm chỉnh thực thi các quy định về đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Báo cáo của Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy, hơn 50% dân số Anh đã có kháng thể chống vi rút SARS-CoV-2.

Ngày 31/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo các trường học ở nước này sẽ đóng cửa từ tuần tới và tình trạng phong tỏa có giới hạn ở Paris cùng các vùng khác sẽ được gia hạn nhằm kiểm soát tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 ở nước này hiện tốt hơn nhiều so với các nước khác, có thể cho phép tiến hành các hoạt động du lịch trong nội địa.

Cùng ngày, Cục Giám sát Thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor) cho biết, vắc xin đầu tiên trên thế giới ngừa Covid-19 ở động vật có lông, chó và mèo đã được đăng ký tại Nga. Vắc xin này có tên là Carnivac-Cov, được Trung tâm Bảo vệ sức khỏe động vật Liên bang (FGBI ARRIAH) trực thuộc Rosselkhoznadzor phát triển và đã được thử nghiệm trên chó, mèo, cáo bắc cực, chồn, cáo và các động vật khác. Phó Giám đốc Rosselkhoznadzor, ông Konstantin Savenkov lưu ý rằng kết quả nghiên cứu đã chứng minh tính vô hại của vắc xin. Kháng thể đã phát triển ở 100% động vật được tiêm phòng.

Châu Á

Các quốc gia khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới do đại dịch Covid-19. 

Tối 31-3, Bộ Y tế Campuchia công bố trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 trẻ tuổi nhất tử vong vào chiều cùng ngày sau khi được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet ở thủ đô. Ca tử vong này là một bệnh nhân nữ, 28 tuổi sống ở quận Russey Keo, Thủ đô Phnom Penh. Đây là bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 13 của Campuchia. Tính đến ngày 31-3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.441 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.914 ca lây nhiễm cộng đồng.

Thái Lan ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 5.937 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.511.712 ca.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia cũng ghi nhận 104 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 40.858 người. 

Bộ Y tế Malaysia cũng thông báo tổng số ca bệnh đã tăng lên 345.500 ca sau khi ghi nhận thêm 1.482 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng.

Còn tại Philippines, Bộ Y tế cho biết nước này đến nay có 747.288 ca sau khi ghi nhận thêm 6.128 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Chính phủ Philippines trong tuần này đã tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế như lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau tại khu đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt tại những khu vực này.

Tại Trung Quốc, thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam gần biên giới với Myanmar đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố sau khi ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 trong ngày 31-3.

Châu Mỹ

Ngày 31-3, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành ở khu vực châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây như đang xảy ra ở Brazil, Uruguay và Cuba, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vừa ký sắc lệnh giải ngân 5,3 tỷ real (918,08 triệu USD) trong các khoản vay mới để ngăn chặn đại dịch Covid-19, khi nước này xác nhận kỷ lục 3.780 người chết trong một ngày vừa qua do đại dịch này.

Brazil hiện chiếm khoảng 1/4 số ca tử vong hằng ngày do Covid-19 trên toàn thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và các nỗ lực tiêm chủng của nước này đã bị cản trở do thiếu vắc xin. Bộ Tài chính Brazil cho biết, các khoản vay mới sẽ được sử dụng để hỗ trợ hệ thống y tế của nước này. 

Trong khi đó, Bolivia thông báo sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở các khu vực biên giới với Brazil, nơi đã phát hiện một biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở Bolivia đã được triển khai từ vài tuần trước ở các thành phố và dự kiến sau đó mở rộng ra các vùng nông thôn. Tuy nhiên, chính phủ đã quyết định ưu tiên triển khai tiêm chủng tại các thị trấn biên giới.   

Theo hanoimoi.com.vn