Thứ 6, 27/12/2024, 21:15[GMT+7]

Nhiều quốc gia tăng tốc tiêm chủng vắc xin Covid-19

Thứ 3, 06/04/2021 | 09:48:00
2,706 lượt xem
Tính đến 6h ngày 6/4, thế giới đã có 132.359.297 người mắc Covid-19, trong đó 2.872.100 trường hợp tử vong. Chương trình tiêm phòng vắc xin tại nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục được tăng tốc.

Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Châu Mỹ

Ngày 6-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ có đủ vắc xin cho tất cả người dân vào cuối tháng 5, dù nước này vừa phải hủy 15 triệu liều vắc xin do trong quá trình sản xuất tại nhà máy Emergent Biosolutions tuần trước, các công nhân đã nhầm lẫn thành phần của hãng Johnson & Johnson với hãng AstraZeneca. Johnson & Johnson đã cam kết cung cấp đủ 24 triệu liều vắc xin trong tháng 4. Mỹ đã lên nhiều kế hoạch dự phòng để đảm bảo lộ trình tiêm vắc xin được triển khai đúng tiến độ đã đề ra.

Hiện, các bang của Mỹ tiếp tục tăng tốc chương trình tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. Tại bang Maryland, Thống đốc Larry Hogan thông báo, chính quyền sẽ tiêm phòng cho người từ 16 tuổi trở lên bắt đầu từ 12-4. Bang New Jersey sẽ triển khai trương trình tương tự từ ngày 16-4.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hơn 15.000 trường hợp tại Mỹ đã mắc biến chủng vi rút của Anh, 374 bệnh nhân mắc biến chủng vi rút phát hiện tại Nam Phi.

Châu Á

Bộ Y tế Campuchia thông báo bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 giai đoạn 1 cho gần 100.000 công nhân từ ngày 7-4 tới. Kế hoạch này được công bố vào thời điểm Thủ tướng Hun Sen cũng vừa hối thúc việc tiêm chủng cho cả những người lao động khu vực kinh tế phi chính thức càng sớm càng tốt.

Phát biểu về chiến dịch tiêm chủng công nhân giai đoạn 1, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine nói: “Kế hoạch của chúng tôi là tiêm chủng cho 745.000 người, trong số đó có 100.000 công nhân. Tuy nhiên, hiện số vắc xin chưa có đủ cho tất cả công nhân. Những người chưa được tiêm trong giai đoạn 1 sẽ được tiêm ngay sau khi lượng vắc xin tiếp theo về đủ".

Theo bà Or Vandine, Ủy ban Tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 cũng đã mở rộng số điểm tiêm chủng từ 109 lên 250 điểm tại Campuchia, chỉ riêng ở thủ đô Phnom Penh đã tăng từ 5 điểm lên 48 điểm.

Ấn Độ một lần nữa trở thành điểm “nóng” về dịch Covid-19 khi lần đầu tiên ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm/ngày. Tình hình nguy hiểm trên diễn ra chỉ hai tháng sau khi giới chức nước này tuyên bố đã cơ bản kiềm chế được dịch bệnh. Mặc dù hiện nay số ca bệnh chủ yếu tập trung ở 8 bang, nhưng làn sóng dịch bệnh lần này được giới chuyên gia đánh giá là mạnh hơn, nguy hiểm hơn và đang có xu hướng lan ra khắp Ấn Độ.

Sự gia tăng đáng lo ngại các ca nhiễm mới đã buộc chính quyền nhiều bang phải tăng cường các biện pháp chống dịch, trong đó có việc đóng cửa các cơ sở giáo dục, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim…, và hạn chế tập trung đông người tại các đám cưới cùng nhiều hoạt động khác.

Ông Uddhav Thackeray, Thủ hiến bang Maharashtra - nơi chiếm hơn 50% số ca nhiễm theo ngày tại Ấn Độ cho biết, bang này sẽ công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong một hoặc hai ngày tới, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa nếu tình hình không được cải thiện.

Tại Singapore, cơ quan hàng không thông báo, từ tháng tới, nước này sẽ tiếp nhận các du khách sử dụng thông hành điện tử có chứng nhận về xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng sáng kiến này. 

Cụ thể, Singapore sẽ chấp nhận thông hành điện tử của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) để kiểm tra hành khách trước khi khởi hành. Theo kế hoạch, các du khách sẽ được phép bay và nhập cảnh Singapore sau khi xuất trình thông tin y tế cá nhân trong ứng dụng điện thoại thông minh, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Trước đó, Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên thử nghiệm thẻ thông hành điện tử Covid-19 do IATA phát triển. Hơn 20 hãng hàng không khác, trong đó có Emirates, Qatar Airways và Malaysia Airlines, cũng đang trong quá trình thử nghiệm thẻ thông hành này.

Châu Âu

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo, nước này sẽ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho 20% dân số nước này vào đầu tháng 5 tới. Phát biểu tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Spahn cho biết, Đức mất 3 tháng để đạt được mục tiêu 10% dân số đầu tiên được tiêm chủng và sẽ nỗ lực chủng ngừa cho 10% dân số tiếp theo trong vòng một tháng tới.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, quốc gia 83 triệu dân này đã ghi nhận gần 2,89 triệu ca mắc, trong đó có hơn 77.000 ca tử vong.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch tiêm chủng cho các đối tượng làm việc trong ngành du lịch trong nỗ lực vực dậy "ngành công nghiệp không khói", vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hồi năm ngoái do đại dịch Covid-19. Chương trình này sẽ dành cho các đối tượng liên quan trực tiếp với ngành du lịch, bao gồm nhân viên của các cơ sở lưu trú và nhà hàng, nhân viên của các công ty cung cấp phương tiện đi lại, đưa đón và hướng dẫn viên du lịch. Tổng cộng hơn 1 triệu nhân viên trong ngành du lịch sẽ được tiêm chủng.

Ông Volkan Yorulmaz, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội các nhà quản lý khách sạn chuyên nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, "kế hoạch trên sẽ là một bước tiến lớn cho ngành du lịch và là một bước phát triển quan trọng liên quan đến hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như chương trình du lịch an toàn mà chúng tôi đang quảng bá".

Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, tất cả người dân tại vùng England đều có thể tiến hành xét nghiệm Covid-19 hai lần mỗi tuần. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm khống chế đại dịch, khi xã hội mở cửa trở lại và chương trình tiêm phòng vẫn đang diễn ra nhanh chóng.

Trong tuyên bố, Thủ tướng Johnson cho biết, chương trình xét nghiệm trên diện rộng mới này sẽ phá vỡ chuỗi lây nhiễm và giúp phát hiện các ca nhiễm không có triệu chứng.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày