Chủ nhật, 12/01/2025, 17:58[GMT+7]

Chủ động ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong các khu dân cư

Thứ 2, 12/04/2021 | 10:17:25
10,192 lượt xem
Các vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân trong các khu dân cư, nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh thời gian qua trên cả nước đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặt ra vấn đề phải trang bị kiến thức cũng như thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư, nhất là trong các gia đình.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tập huấn phòng, chống cháy, nổ cho người dân chung cư Damsan, thành phố Thái Bình.

Hiện nay, nhiều nhà dân tại thành phố Thái Bình sử dụng rào sắt ngoài ban công để bảo đảm an ninh, tuy nhiên việc này lại bịt mất lối thoát hiểm khi có cháy, nổ xảy ra. 

Bà Phạm Thị Hòa, tổ 21, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Ở khu phố chúng tôi, nhiều gia đình vây kín ban công trước, sau nhà bằng rào sắt kiên cố mà không để trống phòng khi có cháy, nổ xảy ra, như thế sẽ bịt mất lối thoát hiểm của mình đồng thời còn gây khó khăn cho lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường.

Hơn 20 năm kinh doanh mặt hàng vải tại gia đình nên ông Nguyễn Hữu Định, chủ cửa hàng kinh doanh vải Định Hằng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình luôn đề cao việc bảo đảm an toàn PCCC. Ông Định chia sẻ: Khi xây dựng cửa hàng, chúng tôi trang bị tất cả thiết bị PCCC, đặc biệt là họng báo cháy, bình cứu hỏa; thường xuyên tập huấn cho nhân viên về các kỹ năng PCCC, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp bảo đảm an toàn trong kinh doanh. “Cẩn tắc vô áy náy” vẫn hơn bởi cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy tại nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình, khoảng 1 giờ 10 phút ngày 30/3/2021 xảy ra vụ cháy nhà dân tại phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) làm 6 người chết, 1 người bị thương, cháy hoàn toàn căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 60m2, 5 xe gắn máy và một số vật dụng sinh hoạt. Mới đây, vụ cháy xảy ra hồi 0 giờ 25 phút ngày 4/4/2021 tại căn nhà ở 3 tầng kết hợp kinh doanh đồ sơ sinh cho trẻ em tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) đã làm 4 người chết. 

Còn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngày 15/1/2021 đã xảy ra vụ cháy tại nhà ở 3 tầng kết hợp kinh doanh tạp hóa tại thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) làm 1 người tử vong, thiệt hại lớn về tài sản.

Nhiều gia đình vây kín ban công bằng rào sắt kiên cố, không chỉ bịt mất lối thoát hiểm khi cháy, nổ xảy ra mà còn gây khó khăn cho lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường.

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Khoát, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh): Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chủ hộ và những người trong gia đình chưa quan tâm đến công tác an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống. Đa phần loại nhà ống, thông thường chỉ có 1 lối thoát duy nhất là cửa chính; lối thoát ra ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh... phần lớn các gia đình làm lồng sắt, lưới sắt để phòng, chống trộm cho nên không có lối thoát dự phòng dẫn đến khi có cháy xảy ra khói độc và lửa bịt kín lối đi, làm cho các thành viên trong gia đình không thể tự thoát ra ngoài được. Nhiều gia đình không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên khi xảy ra cháy không có phương tiện dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Ông Lê Văn Sinh, Phòng An toàn, Công ty Điện lực Thái Bình thông tin: Thực tế các vụ cháy phát sinh từ chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan của người sử dụng điện, có thể do việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện và thiết bị điện trong gia đình không bảo đảm an toàn về phòng cháy cũng như không kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên theo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu của nhà sản xuất dẫn đến chập điện gây cháy. Ngoài ra, các gia đình sử dụng thiết bị quá tải, sử dụng thiết bị không đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Để giảm nguy cơ cháy tại các khu dân cư, thời gian qua, công an các địa phương, nhất là lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó tập trung tuyên truyền ở những khu dân cư có nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề, khu nhà trọ, chung cư cao tầng...; đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng PCCC... Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được giao quản lý cũng như xây dựng các kế hoạch, phương án ứng cứu phù hợp với từng khu vực dân cư.

Đồng chí Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) khuyến cáo: Quan trọng vẫn là nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn PCCC và các kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy, nổ của người dân. Phải thường xuyên kiểm tra, ngắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng cũng như khi đi ngủ. Hàng hóa sắp xếp phải bảo đảm khoảng cách, tối thiểu là 0,5m - 1m, cách xa các thiết bị điện. Khi không đun nấu, người dân nên khóa bình gas. Các hộ kinh doanh phải đầu tư, trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ và sử dụng thành thạo các thiết bị này để khi có tình huống cháy, nổ xảy ra có thể xử lý kịp thời. Đối với ban công, lô gia, sân thượng... không được làm rào chắn kiên cố để tạo lối thoát nạn khi có cháy, nổ; mỗi ngôi nhà cần có ít nhất 2 lối thoát hiểm. Khi có cháy, nổ xảy ra phải khẩn trương báo cho lực lượng PCCC để kịp thời chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tất Đạt - Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày