Thứ 3, 24/12/2024, 19:59[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang: Khi cái khó ló cái khôn

Thứ 3, 13/04/2021 | 14:33:20
961 lượt xem
Năm 2017, chính quyền và người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tự tin phát đi thông điệp về khát vọng thoát nghèo khi từ chối “bầu sữa” của chương trình 30 B. Và chỉ ba năm sau, rất nhiều ánh mắt ngưỡng mộ lại hướng về Vũ Quang khi địa phương này trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Diện mạo huyện nghèo Vũ Quang đổi thay nhờ NTM.

Câu chuyện xây dựng NTM ở Vũ Quang được viết lên bởi cách làm sáng tạo, mạnh dạn lựa chọn mũi nhọn đột cho từng giai đoạn, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên để khơi sức dân kết thành một chỉnh thể thống nhất cùng hướng về phía trước.

“Liệu cơm, gắp mắm”

Đồng chí Phạm Hữu Bình, nguyên Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết, huyện được thành lập năm 2000, từ những xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của ba huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ (Hà Tĩnh).  “Ra riêng” trong bối cảnh thiếu thốn đủ bề khi hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp, tỷ lệ đường giao thông được bê-tông hóa, nhựa hóa đạt dưới 20%, một số tuyến giao thông do thời gian sử dụng lâu, hằng năm chịu tác động của lũ lụt, sạt lở đất, nên bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Đây cũng là một trong những lý do nới rộng khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa Vũ Quang và các địa phương khác trong toàn tỉnh, cụ thể nhất là mức thu nhập bình quân/người/năm đạt 9,12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% dân số (mức thấp nhất Hà Tĩnh). Soát xét tiêu chí xây dựng NTM, thời điểm cuối năm 2010, trung bình mỗi xã chỉ đạt 2,1 tiêu chí, toàn huyện chưa có xã đạt hơn bốn tiêu chí.

Hơn 1.800 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm đã hiện hữu tại Vũ Quang. 

Đứng trước những khó khăn, trở ngại đó, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân huyện Vũ Quang luôn trăn trở, tìm cho mình hướng đi thích hợp nhằm cụ thể hóa khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính vùng đất nhiều tiềm năng, không ít thử thách.

Cũng theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Quang, xác định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng NTM, vì vậy, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất rừng…, huyện Vũ Quang đã xác định và lựa chọn mục tiêu, nhiệm vụ đột phá phù hợp từng giai đoạn cụ thể.  

Thời kỳ 2010 - 2015, thực hiện nhiệm vụ tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 3, địa phương đã ban hành Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn gắn các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi…

Thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, địa phương đã hỗ trợ 1.504 hộ nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi lợn quy mô gia đình và 2.457 hộ dân trồng mới hàng trăm ha cây cam chanh.

Giai đoạn 2015-2020, khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, liên kết chuỗi giá trị và nhất là hướng tới xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp bằng các chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu, cụm dân cư, tuyến đường mẫu.

Mô hình nhà văn hóa kết hợp nhà tránh lũ giúp người dân huyện miền núi an toàn hơn khi thiên tai xuất hiện. 

Tính từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 7.000 hộ dân trên địa bàn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Đáng chú ý, bình quân mỗi năm, số thu ngân sách ở Vũ Quang chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng nhưng trong chín năm qua, địa phương này đã mạnh dạn trích hơn 65 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ người dân phát triển suất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Nhờ kích cầu sản xuất đúng cách, đến nay huyện Vũ Quang đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng 1.845 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; đưa diện tích cam lên gần 2.600ha/3.700ha cây ăn quả có múi, bằng 32% tổng diện tích cam toàn tỉnh. Vũ Quang cũng đã xây dựng thành công 1.095 mô hình vườn mẫu; 53 khu dân cư kiểu mẫu và 73 thôn kiểu mẫu cùng 17 cụm dân cư và 49 tuyến đường kiểu mẫu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ 9,12 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2020); đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% xuống còn 4,64%.

Cán bộ đi trước để khơi sức dân

Đồng chí Phạm Hữu Bình, nguyên Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết, khi bắt tay vào xây dựng Ðề án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM, sau những lúng túng ban đầu, Vũ Quang đã chọn cho mình hướng đột phá trồng cây ăn quả và chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, ưu tiên số 1 là phát triển trang trại nuôi lợn siêu nạc và bò lai ngoại. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đây là phương thức sản xuất mới, cần có mô hình điểm để khơi thông tư duy cho người dân.

Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, địa phương đã vận động cán bộ, đảng viên làm trước có hiệu quả rồi mới tuyên truyền để người dân làm theo.

Cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh thôn Cừa Lĩnh (Đức Lĩnh). 

Tháng 9-2010, tranh thủ các khoản hỗ trợ của tỉnh và huyện cùng tiền vay, Bí thư Ðảng ủy xã Hương Minh Phạm Văn Ðức khánh thành trại nuôi lợn có quy mô lớn (500 con/lứa) đầu tiên của huyện theo mô hình liên kết với Tổng công ty Mitraco Hà Tĩnh. Rất đông cán bộ huyện, xã và người dân đến tham quan, học hỏi.

Sau thành công của đồng chí Ðức, một loạt cán bộ lãnh đạo các xã và những nông dân cũng lập dự án triển khai nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp. Những nông dân không có khả năng nuôi lớn, huyện tạo điều kiện cho họ nuôi liên kết nhỏ theo dạng tổ hợp tác (từ 10 đến 15 hộ) và nuôi từ 20 đến 50 con/hộ. Ðối với mô hình này, huyện hỗ trợ từ 10 đến 30 triệu đồng/hộ làm chuồng, bể bi-ô-ga, con giống.

Tiếng lành đồn xa, với cách làm này, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm mô hình chăn nuôi liên kết đã hiện hữu trên địa bàn. Để chủ động cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi, Vũ Quang đã hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng ba cơ sở sản xuất lợn giống nái ngoại, quy mô từ 300 - 650 con, góp phần nâng tổng đàn lợn đến nay trên địa bàn đạt 30.000 con.

Về Vũ Quang, không khó để bắt gặp những cán bộ cơ sở tiên phong gương mẫu về phát triển kinh tế, hiến đất hiến đường để xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Thê, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh chia sẻ, cán bộ muốn dân tin thì phải gương mẫu làm trước, tại xã Đức Lĩnh, 100% cán bộ công chức xã đều có vườn mẫu cho thu nhập cao. Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, cán bộ còn là hạt nhân trong việc xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, văn minh ở khu dân cư mình ở.

Nhiều làng quê trù phú, thân thiện nhờ xây dựng NTM.

Với người dân xã Đức Lĩnh, đồng chí Nguyễn Xuân Thê không chỉ nói hay mà còn làm giỏi. Ngoài giống cam chủ lực trên địa bàn, năm 2014, ông Thê là người đã tiên phong đưa các giống bưởi như bưởi da xanh, bưởi Diễn về trồng tại xã Đức Lĩnh. Bên cạnh 2ha vườn trồng cam, gia đình ông Thê trồng thêm 90 gốc bưởi, cho thu nhập của mô hình mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của cây bưởi, đến nay toàn xã Đức Lĩnh đã có khoảng 50ha bưởi các loại.

“Không chỉ tiên phong phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Xuân Thê còn đi đầu trong phong trào xây dựng cụm dân cư "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh. Bằng những việc làm cụ thể, đồng chí Thê đã cùng với năm hộ gia đình chúng tôi xây dựng cụm dân cư chung sống đoàn kết, thân thiện. Thay vì những hàng rào cứng ngăn cách giữa mỗi hộ chúng tôi đã phủ đầy hàng rào hoa rực rỡ, hay dãy chè mạn hảo manh mướt. Tại khu vực sinh hoạt chung ở dưới bóng cây có ghế đá, xích đu, là nơi các cháu thiếu nhi vui đùa mỗi sáng, hàng xóm râm ran bên ấm nước chè xanh”, ông Nguyễn Minh Hà, cụm trưởng dân cư số 1 thôn Cừa Lĩnh (Đức Lĩnh) nói.

Cụm dân cư số 1 thôn Cừa Lĩnh là một trong 17 cụm dân cư "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh đầu tiên được xây dựng tại Hà Tĩnh.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm vượt khó của địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Hà Tân, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho rằng, hướng về cơ sở để đồng hành chăm lo cuộc sống cho người dân là bài học cốt lõi, xuyên suốt được kế thừa triển khai trong 20 năm qua.

Cùng việc huy động các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu các thôn, cụm dân cư xây dựng NTM, huyện đã phát động phong trào "Ngày thứ bảy vì nông thôn mới". Khi cán bộ từ cấp huyện, xã đến thôn xóm xuống cơ sở, "xắn tay, lội ruộng" cùng đảm nhận những phần việc khó đã khích lệ và huy động sự tham gia sôi nổi của người dân. Nhân dân đã cùng đóng góp 1.426.000 ngày công lao động, hiến 640.400m2 đất và huy động hàng chục tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

“Trong những năm qua, chúng tôi đã điều động, luân chuyển hầu hết các đồng chí lãnh đạo phòng, ban chuyên môn về các xã khó khăn nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng NTM. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương là tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ trong việc cân nhắc, sắp xếp vị trí việc làm khi các đồng chí hết thời gian luân chuyển”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Vũ Quang, Nguyễn Thị Hà Tân nhấn mạnh.

Theo nhandan.com.vn