Thứ 6, 22/11/2024, 00:42[GMT+7]

Ông Triệu vượt khó

Thứ 3, 13/04/2021 | 15:40:53
3,124 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với các nạn nhân chất độc da cam như ông Bùi Văn Triệu, thôn Tây Hạ, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) thì cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Trở về đời thường, ông vẫn ngày ngày chiến đấu với nỗi đau dai dẳng, sức khỏe suy kiệt để được sống và cống hiến bằng chính sức lao động của mình.

Ông Bùi Văn Triệu không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhập ngũ năm 1967, ông Triệu đã trải qua nhiều trận đánh khốc liệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch đường 9 - Khe Sanh, đường 9 - Nam Lào, trận Thành cổ Quảng Trị... Năm 1975, ông rời quân ngũ, cơ thể đau yếu liên miên, thường xuyên phải cấp cứu. Thế nhưng, cứ khỏe lên là ông lại lao vào công việc. Bệnh tình chữa chạy tốn kém, dù cố gắng lao động, tích góp song cũng không đủ thuốc thang, vì vậy kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Nhờ chủ trương của Nhà nước giao đất cho nông dân, gia đình ông có 7 sào ruộng và 8 sào vừa vườn vừa ao để tăng gia sản xuất, từ đó cuộc sống dần đi lên.

Ông Triệu không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Vườn nhà ông trồng nhiều loại cây như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, ổi, mít, chè xanh, rau ngót, cà chua, lạc... Ao thì nuôi cá trắm, cá chép, cá mè... Trong chuồng nuôi lợn nái và đàn gà 80 con. Ông cho biết: Trong quá trình sản xuất chăn nuôi tôi luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trên mạng internet hoặc đi thực tế các cơ sở sản xuất thành công để đúc rút kinh nghiệm, thực hiện sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Mỗi năm gia đình ông thu nhập từ ruộng, vườn, ao khoảng 60 - 70 triệu đồng. So với xã hội có thể không nhiều nhưng đối với ông là cả một sự kiên cường, nỗ lực rất lớn. Những năm gần đây, nhờ thường xuyên tập thể dục, chạy chữa thuốc thang, sức khỏe ông đã khá hơn, số lần phải cấp cứu cũng ít hơn nhưng vẫn còn những cơn đau kéo tới bất chợt làm ông ngất lịm đi. Chân bị gai khớp gối, đi lại đau đớn, cánh tay phải yếu do vết thương chiến tranh cũng không ngăn được người lính Cụ Hồ năm nay đã 72 tuổi chăm chỉ với ruộng vườn, tích cực học hỏi, nghiên cứu, phát triển thêm cây trồng, vật nuôi.

Từ ngày xuất ngũ đến nay, ông Triệu liên tục tham gia công tác xã hội ở thôn, ở xã với tâm niệm được đóng góp cùng xã hội, xây dựng quê hương mỗi ngày một đổi mới. Mọi công việc chung ông đều hăng hái đi đầu góp công, góp của và vận động nhân dân hưởng ứng làm theo. 

Là người gắn bó với ông Triệu trong mỗi lần ngã bệnh hay mỗi chuyến đi thăm mô hình làm nông nghiệp giỏi, ông Bùi Văn Bảo, Bí thư Chi bộ thôn Tây Hạ cho biết: Ông Triệu là người rất gương mẫu trong thôn chúng tôi. Với tinh thần vượt khó vươn lên, vượt qua bệnh tật, ông đã tạo dựng được mô hình vườn cây, ao cá hiệu quả. Tất cả mọi công việc ở thôn ông đều đứng lên cùng chúng tôi tham mưu, hiến kế, rồi làm cùng với nhau để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tôi mong ông khỏe, tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi xây dựng nông thôn mới nâng cao.

12 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Vũ Phúc, ông Bùi Văn Triệu luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Hội đoàn kết, chăm lo chu đáo cho hội viên. Ông thường động viên, chia sẻ với hội viên: Chúng ta còn được trở về, được sống đến bây giờ là may mắn hơn biết bao đồng đội vĩnh viễn nằm lại nên chúng ta quyết phải dựa vào chính mình, tự tay tạo dựng nên giá trị cho mình và xã hội. “Chúng tôi luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong chiến đấu gian khổ, khốc liệt, hy sinh đã vượt được thì về mặt trận sản xuất, xây dựng quê hương, xây dựng gia đình bằng giá nào cũng phải vượt qua” - ông Triệu chia sẻ thêm.

Ông Bùi Văn Triệu - người lính Cụ Hồ kiên cường, luôn khát khao cuộc sống tốt đẹp và ý chí vươn lên làm đẹp cho đời.

Mai Hiền

(Đài TTTH thành phố)