Thứ 3, 19/11/2024, 19:45[GMT+7]

Quảng Ninh: “Đảo ngọc” khát nước sạch đến bao giờ?

Thứ 6, 16/04/2021 | 15:50:25
2,051 lượt xem
Nước giếng bị nhiễm mặn. Nước sinh hoạt ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch vẫn dang dở. Học sinh nói riêng và người dân nói chung của đảo ngọc Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh “khát” nước sạch vì thế.

Đập chứa nước Lòng Dinh đã hoàn thành nhưng hệ thống nhà máy nước vẫn dang dở khiến dân đảo vẫn “khát” nước sạch.

Hàng nghìn học sinh thiếu nước sạch

Từ trước tới nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân 2 xã Quan Lạn, Minh Châu trên đảo Quan Lạn chỉ trông chờ vào nước mưa và nước giếng. Trước tình trạng xâm nhập mặn, nguồn nước ở nhiều thôn của Quan Lạn như Tân Phong, Tân Lập, Yến Hải… nhiễm mặn, ô nhiễm nghiêm trọng. 

Tình trạng dân đảo “khát” nước càng “nóng” khi gần chục năm trở lại đây ngành công nghiệp không khói tại địa phương phát triển. Mùa cao điểm du lịch, cũng là lúc nước sạch khan hiếm. Nhiều nhà hàng, khách sạn không dám đón khách vì thiếu nước.

Bà Bùi Thị Thị, thôn Tân Phong, xã Quan Lạn chia sẻ, gia đình bà cũng có giếng nhưng không sử dụng được. Bà thường xuyên phải mua nước sạch về dùng. Mỗi khối nước có giá từ 85 - 90 nghìn đồng tùy thời điểm. Vì thế, tiền sử dụng nước sạch của gia đình bà hàng tháng cũng vài trăm đến triệu đồng. Bao nhiêu năm nay nhà máy nước sạch không đi vào sử dụng, người dân mong mỏi được sử dụng nước sạch.

Bà Phạm Thị Xuyến cùng thôn Tân Phong cho hay, hiện gia đình bà có 4 người. Nhà có đào giếng khơi để dùng nhưng chất lượng nước kém. Gia đình chỉ dùng để giặt quần áo, rửa tay chân. Nước nấu nướng bà thường xuyên phải đi mua. Mỗi tháng dùng tiết kiệm cũng mất khoảng 5 khối nước.

Trong số 8 thôn của xã Quan Lạn, chỉ có 2 thôn đảm bảo có nước sạch. Các hộ dân dùng bể chứa nước mưa hoặc đào giếng. Nhưng phần lớn là nước nhiễm mặn hoặc bị ô nhiễm. Nhiều hộ gia đình có giếng mà không thể sử dụng để ăn, uống... Riêng, thôn Tân Phong có khoảng 200 hộ dân, trên 600 nhân khẩu, trong đó chỉ có khoảng trên 60% số hộ có bể chứa, nhưng vào mùa khô hầu hết đều thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Điều đáng nói, hơn 1.000 học sinh thuộc 3 cấp học tại đảo Quan Lạn cũng thường xuyên thiếu nước sạch để dùng. Đặc biệt, với trường mầm non khi trẻ sinh hoạt cả ngày trên trường, tình trạng thiếu nước là vấn đề nhà trường và địa phương trăn trở nhiều năm nay. 

Từ năm 2014, huyện Vân Đồn đã xây dựng, cải tạo hồ chứa nước Lòng Dinh (thôn Tân Lập, xã Quan Lạn), tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng, dung tích thiết kế khoảng 1 triệu m3. Đến năm 2017, hồ chứa này đã hoàn thành và hệ thống đường ống chính qua biển và tuyến ống phân phối đến các điểm trung tâm cũng đã thi công xong. 

Tuy nhiên, dự án nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch phục vụ nhân dân và khách du lịch trên đảo Minh Châu, Quan Lạn phía Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia (Công ty Thẩm Gia) vẫn chưa hoàn thành. Vì thế, đã 4 năm hoàn thành hồ chứa nước mà dự án này vẫn chưa thể cấp nước sạch được cho người dân xã đảo.

Ông Lưu Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho hay, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt khiến mọi sinh hoạt của người dân hạn chế. Hiện, hồ chứa nước Lòng Dinh được huyện đầu tư đã xong và bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Yên Lập quản lý.

Với dự án nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch còn vướng mắc liên quan đến việc nhà máy phê duyệt trên vị trí đất thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty Viglacera Vân Hải (thuộc Tổng Công ty Viglacera, Bộ Xây dựng).

Chậm vì “chồng lấn” với Công ty Viglacera Vân Hải

Theo tìm hiểu, dự án nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch phục vụ nhân dân và khách du lịch trên đảo Minh Châu, Quan Lạn được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chủ trương đầu tư năm 2017 với quy mô công suất 4.000m3/ngày đêm.

Dự án có tổng diện tích trên 28 nghìn m2, tổng đầu tư 30 tỷ đồng gồm hạng mục: Nhà máy cấp nước đặt tại thôn Nam Hải, xã Minh Châu; tuyến ống cấp nước nằm trên xã Minh Châu và Quan Lạn. Đến nay, cụm các công trình đầu mối, xi phông và hệ thống cấp nước tưới đã được thi công xong. Riêng hệ thống cấp nước sinh hoạt còn dang dở.

Theo UBND huyện Vân Đồn, hiện dự án cấp nước sinh hoạt do Công ty Thẩm Gia đầu tư đã hoàn thành việc lắp đặt tuyến đường ống dẫn nước từ nhà máy cấp nước tới xã Minh Châu và xã Quan Lạn. Phía công ty đã ký hợp đồng mua nhập toàn bộ thiết bị đồng bộ của nhà máy cùng với việc gia công lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, Công ty Thẩm Gia chưa thể xây dựng được các hạng mục nhà máy cấp nước do nhà máy nằm trong ranh giới Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Viglacera Vân Hải.

Trước thực trạng trên, ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã rà soát báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường về diện tích đóng của mỏ. Trả lại một phần diện tích khu vực khai thác cát Vân Hải của Công ty Viglacera Vân Hải, trong đó có hạng mục xây dựng nhà máy nước nói trên.

Ngày 18/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 464/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản cát trắng tại mỏ cát Vân Hải của Công ty Viglacera Vân Hải.

Song song với việc đề nghị đóng cửa mỏ một phần diện tích thực hiện nhà máy cấp nước, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã làm việc với chủ đầu tư là Công ty Thẩm Gia yêu cầu tập trung nguồn lực triển khai thi công để tháng 6/2021 có thể đưa nhà máy vào hoạt động.

Ông Thẩm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Thẩm Gia cho rằng, dự án nhà máy xử lý nước vừa được “cởi nút thắt”. Phía công ty sẽ thi công các phần việc còn lại. Bởi hệ thống, thiết bị đồng bộ đã được làm chỉ đợi khi có mặt bằng công ty sẽ lắp đặt. Về tiến độ dự án, ông Sơn khẳng định đến tháng 6 tới sẽ đưa nhà máy vào vận hành phục vụ nước sạch cho nhân dân trên đảo.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày