Bắc Ninh: Những mái đình lưu dấu thời gian
“Thứ Nhất là đình Đông Khang/ Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”. Đình Đình Bảng được lưu truyền trong dân gian là ngôi đình đệ nhị của xứ Kinh Bắc xưa, thờ các vị thần có công lập làng, giúp dân, giúp nước. Theo thời gian, đình làng Đình Bảng là nơi diễn ra, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Giai đoạn tiền khởi nghĩa, các đồng chí tiền bối lãnh đạo Đảng, nhà nước như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ... đã về hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng.
Trong đợt tu bổ quy mô lớn năm 2000, đình Đình Bảng cần phải thay thế 60 cây cột và người ta phát hiện thấy không có một chiếc cột nào có chu vi giống nhau, mỗi cột một thông số khác nhau. Đến đợt trùng tu năm 2009, khi thi công đổ bê tông phía dưới phần nền để kê bệ đá làm chỗ đứng cho 84 cây cột, người ta lại sửng sốt nhận ra, chẳng có chiếc cột nào có chiều cao bằng nhau cho dù vị trí giống nhau. Cách làm của người xưa là chỗ nào đất lún thì đóng sâu, chỗ nào đất chắc thì để nông. Tuy mắt thường có phân biệt được những cột lớn song trước đó hầu như không ai phát hiện ra sự “khập khiễng” trong tổng thể kiến trúc ngôi đình. May mắn qua nhiều lần trùng tu, giờ đây, ngôi đình vẫn uy nghi cùng thời gian, nghệ thuật chạm khắc cũng như quy mô kiến trúc của ngôi đình vẫn được các thế hệ người dân Kẻ Báng quan tâm gìn giữ khá nguyên vẹn, không làm thay đổi diện mạo và giá trị nghệ thuật có từ 300 năm trước của di tích.
Nói đến đình làng Bắc Ninh không thể bỏ qua đình Mão Điền Đoài (Thuận Thành). Đây là ngôi đình có niên đại sớm nhất trong số những ngôi đình miền Kinh Bắc được xây dựng từ thế kỉ 16 thời nhà Mạc. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa đến nay đình Mão Điền Đoài vẫn là một di sản kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của quê hương. Thờ trong đình là ba vị tướng họ Chu còn gọi Tam vị đại vương. Họ là ba anh em cùng sinh một bọc, cùng đỗ tiến sĩ, phò Lê, diệt Mạc và cùng hóa. Ngoài ra còn phối thờ 4 vị hậu thần tương truyền là những người hiến tiền của, đất đai để xây dựng đình.
Vượt qua phạm vi công năng của một nơi sinh hoạt cộng đồng để bàn việc làng, tổ chức cúng tế, hát xướng… đình làng như một nhân chứng lịch sử đối với chặng đường khai dân, lập ấp, hình thành và phát triển của mỗi vùng quê. Hầu hết đình làng Bắc Ninh đều gắn liền với lễ hội truyền thống và các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục tập quán độc đáo; các huyền tích, truyền thuyết, câu chuyện lịch sử về nhân vật được tôn thờ.
Đình Đồng Kỵ cũng là một ngôi đình đẹp nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Đình thờ đức thánh Thiên Cương thời Hùng Vương có công dẹp giặc Xích Quỷ và cùng Thánh Gióng đánh giặc Ân giữ yên bờ cõi. Đây là công trình có kiến trúc gỗ còn khá nguyên vẹn từ khi khởi dựng đến nay và là một trong số rất hiếm ngôi đình còn giữ lại được hệ thống sàn gỗ. Sàn đình phục vụ cho việc hội họp của dân làng, có phân định “chiếu trên- chiếu dưới” và quy định về chỗ ngồi của các thành viên trong làng vào mỗi dịp tiết lệ, lễ hội.
Trong nghệ thuật kiến trúc đình làng truyền thống, cửa võng là một thành phần quan trọng, là điểm nhấn trung tâm có chức năng như bức bình phong ngăn cách thế giới bên ngoài với nơi an vị của các đức thánh. Bức cửa võng đẹp nổi tiếng, có độ hoành tráng về kích thước, tinh xảo về kỹ thuật chạm khắc đã làm ngẩn ngơ bao thế hệ người Việt chính là cửa võng đình Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Chính bức cửa võng độc nhất vô nhị này đã tạo nên sự vẻ vang trứ danh cho ngôi đình cổ của làng Thủy tổ Quan họ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Thăm đình làng Bắc Ninh, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp chạm khắc đạt trình độ đỉnh cao tinh xảo, phong phú đề tài. Những mảng chạm đặc sắc tiêu biểu phải kể đến là “Tiên nữ cưỡi rồng”, hoạt cảnh lên đồng ở đình Cổ Mễ (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); cảnh đua thuyền rồng trong ngày hội đình Phù Lưu (Đông Ngàn, Từ Sơn); mảng chạm cảnh người điều voi ở đình hồi Quan (Tương Giang, Từ Sơn); hình ảnh trang trí nam nữ tự tình ở đình Ngô Nội (Trung Nghĩa, Yên Phong)... Cùng rất nhiều đề tài trang trí vân mây, hoa văn, tứ linh, tứ quý mềm mại, uyển chuyển khác. Nghệ thuật điêu khắc ở đình làng Bắc Ninh không chỉ là phương tiện xóa đi sự thô mộc của thân gỗ mà còn gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc của tiền nhân.
Những ngôi đình lưu dấu thời gian ở miền Kinh Bắc với vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, trầm mặc giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, văn hóa cũng như tâm tư, tình cảm của người dân địa phương, thấy được sức sống mãnh liệt không chỉ về mặt tâm linh mà còn là sự gắn kết cộng đồng của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống.
Theo vanhien.vn
Tin cùng chuyên mục
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết 15.01.2025 | 19:24 PM
- Làm chủ quá trình chuyển đổi số bằng doanh nghiệp công nghệ số 15.01.2025 | 19:30 PM
- Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 15.01.2025 | 19:30 PM
- Rực rỡ chào xuân 15.01.2025 | 19:30 PM
- Cách làm tóp mỡ 'đỉnh cao', chuyên nghiệp như người dân làng Triều Khúc 15.01.2025 | 19:30 PM
- Ngô nướng được coi là 'thần dược mùa đông' nhưng đại kỵ với những người này 15.01.2025 | 17:53 PM
- Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 15.01.2025 | 17:48 PM
- Tới 'Thủ phủ' hoa miền Tây những ngày giáp Tết 15.01.2025 | 17:48 PM
- Top 10 điểm đến nội địa và quốc tế được du khách Việt Nam ưa chuộng nhất năm 2024 15.01.2025 | 17:48 PM
- “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” hứa hẹn những màn trình diễn đặc sắc 15.01.2025 | 17:48 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình