Thứ 7, 30/11/2024, 05:03[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Quyết liệt kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ 2, 19/04/2021 | 08:46:47
1,310 lượt xem
Trong lúc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò đang diễn biến phức tạp thì bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại tái xuất hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Trước tình hình đó, địa phương đang tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát 2 dịch bệnh nguy hiểm này.

4.000 lít hóa chất của tỉnh đã được huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ cho các xã, thị trấn phun tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi.

Ngày 22/3, xã Châu Sơn phát hiện bệnh VDNC ở trâu, bò, đến nay bệnh đã xuất hiện tại 6 hộ chăn nuôi ở 5 thôn với 7 con bò bị nhiễm bệnh trong tổng đàn 22 con. Tình hình càng khó khăn hơn với địa phương khi ngày 4/4 một ổ bệnh DTLCP được phát hiện tại hộ ông Hoàng Văn Hiệp, thôn Lang Duyên làm 23 con lợn bị chết với tổng trọng lượng 161kg. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của ngành Nông nghiệp, UBND huyện, xã Châu Sơn đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. 

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã, ngay sau khi ghi nhận ổ bệnh DTLCP, xã đã rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn, tổ chức ký cam kết đến từng hộ nuôi không giấu dịch, khi xuất bán lợn phải báo cho xã để kiểm tra, theo dõi. UBND xã đã tiếp nhận và cấp gần 2.000kg vôi bột, 64 lít hóa chất cho hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, các tuyến đường dẫn vào hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn, giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đến thời điểm này, xã Châu Sơn đã cơ bản kiểm soát được bệnh VDNC, số bò bị ốm được chăm sóc, điều trị theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, có dấu hiệu phục hồi tích cực; bệnh DTLCP đã khống chế được ở 1 hộ chăn nuôi.

Tại xã Quỳnh Bảo, từ ngày 29/3 ghi nhận bệnh VDNC và đến nay đã lây lan ở 2 thôn với 6 hộ chăn nuôi, 9 con bò nhiễm bệnh. Gần 10 ngày kể từ khi đàn trâu, bò bị nhiễm bệnh, bệnh DTLCP cũng xuất hiện trên địa bàn, đã có 13 con lợn chết, tiêu hủy với trọng lượng 1.010kg.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, tổng đàn lợn của huyện đạt 135.000 con, trong đó lợn nái, đực giống 16.357 con, lợn thịt, lợn choai 92.839 con và lợn con theo mẹ 25.804 con. Tổng đàn trâu, bò 7.544 con, trong đó 1.005 con trâu và 6.539 con bò. Đàn trâu, bò được tập trung nuôi chủ yếu tại các nông hộ của các xã duyên giang. Đến ngày 14/4, trên địa bàn huyện, bệnh VDNC đã xảy ra tại 14 xã với 42 thôn, 67 hộ chăn nuôi. Tổng số bò bị bệnh 111 con; số bò chết, tiêu hủy 8 con. Bệnh DTLCP xảy ra ở 2 xã (Châu Sơn, Quỳnh Bảo), số lợn chết đã tiêu hủy 36 con (3 con lợn nái, 33 con lợn thịt).

Để kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Quỳnh Phụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng thú y chung tay cùng người dân chăm sóc, chữa bệnh cho đàn gia súc. UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung tổ chức thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp khoanh vùng dập dịch, khống chế dịch trong diện hẹp, không để lây lan. 

Ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đã triển khai 2 đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cấp 4.000 lít hóa chất của tỉnh hỗ trợ các xã, thị trấn. Ngoài ra, các xã phát động nhân dân và trích ngân sách xã mua 10.055 lít hóa chất, 85 tấn vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, các khu công cộng và nơi có nguy cơ cao... 37/37 xã, thị trấn đã tiếp nhận vắc-xin và tổ chức tiêm phòng theo đúng kế hoạch.

UBND huyện Quỳnh Phụ cũng đã chỉ đạo tổ công tác của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác vận chuyển, quản lý giết mổ, đặc biệt với các hộ chăn nuôi nhập lợn từ tỉnh ngoài. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các chủ cơ sở kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không bán chạy lợn còn lại trong chuồng trong thời gian xảy ra dịch bệnh, không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc không rõ nguồn gốc hoặc gia súc mắc bệnh.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày