Thứ 5, 16/01/2025, 02:50[GMT+7]

Bắc Giang: Vẻ đẹp nhà cổ Liên Chung

Thứ 2, 19/04/2021 | 15:09:03
1,763 lượt xem
Trước nhịp sống hối hả, tốc độ đô thị hóa ngày một tăng nhưng nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) với kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, bảo vệ.

Ngôi nhà cổ của gia đình anh Nguyễn Văn Ngôn, thôn Hậu, xã Liên Chung vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo.

Theo lời giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Liên Chung, tôi đến thăm ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Ngôn (47 tuổi) ở thôn Hậu. Bên trong ngôi nhà là không gian yên bình, tĩnh lặng nhưng cũng rất ấm cúng. Khói nhang trầm thơm dịu phả ra trên bàn thờ tổ tiên. Nhâm nhi xong chén trà nóng, anh Ngôn đưa tôi dạo quanh nhà để giới thiệu. 

Ngôi nhà 5 gian, rộng chừng 130 m2, khung gỗ lim, 10 cột và hệ thống kẻ chàng tạo cho ngôi nhà vẻ vững chãi. Trên đỉnh là các con chồng, kẻ chàng hai đầu hồi theo lối tứ trụ.Các vì theo kiểu con chồng đấu kê, vê tròn hình trái đào với đường nét chạm, khắc tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa; hệ thống cửa gồm 20 cánh được thiết kế kiểu bức bàn. Trong nhà còn lưu giữ hoành phi, câu đối, hương án, đài thờ...

Anh Ngôn cho biết, trong chiến tranh, làng Hậu bị Pháp về càn hai lần, ông nội và chú ruột của anh bị giặc bắn chết; gia phả cũng bị đốt nên thông tin về ngôi nhà không có nhiều. Anh chỉ biết rằng đã có 8 đời sinh sống ở đây. Dựa vào kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, hoa văn, ngôi nhà được xác định làm cuối thế kỷ XVII. Đây cũng là ngôi nhà gỗ lim đẹp và cổ nhất của xã. 

Năm 2011, anh Ngôn có tu sửa một số hạng mục như: Xây tường gạch, lát nền, nâng các đế cột cao hơn; thay rui, mè. Anh Ngôn chia sẻ, mùa hè dù nóng bức nhưng hiếm khi gia đình phải sử dụng điều hòa vì nhà rất thoáng mát. Vào ngày Tết, họp họ, giỗ chạp, con cháu dòng họ Nguyễn Văn về đây quây quần thắp hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.

Cũng ở xã Liên Chung, tại thôn Sấu còn có ngôi nhà cổ của ông Giáp Văn Phán và bà Nguyễn Thị Mai được làm cách đây gần 160 năm cũng bằng gỗ lim. Ngôi nhà bố cục hình chữ nhất ngang, gồm 5 gian. Các vì kết cấu kiểu con chồng đấu kê, chạm khắc hoa sen, chữ thọ, rồng, phượng rất tinh xảo. Trong nhà hiện còn giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như đồ thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án, bài vị...

Bà Mai cho biết, qua nghe bậc tiền nhân kể lại, hồi đó, ngôi nhà được các cụ bên nhà chồng bà mua, vận chuyển từ Yên Thế về qua đường sông, một số chân cột bị trúng đạn pháo của quân Pháp nên không còn nguyên vẹn. Có thời điểm chạy giặc, cả gia đình phải di chuyển lên núi Dành mang theo đồ thờ, vật dụng cha ông để lại sau đó lại trở về sinh sống, sum họp dưới mái nhà này. 

Trước kia nhiều thợ chạm khắc, thợ mộc ở nhiều nơi về đây lấy mẫu thiết kế của ngôi nhà để tái tạo, phục dựng mô hình nhà cổ nhưng không giống với bản mẫu bởi có nhiều chi tiết khó thi công. Qua nhiều đời sinh sống, gia đình bà có cải tạo nền song ngôi nhà vẫn giữ được nét nguyên bản, ít thay đổi. 

Cách đây 5 năm, có người ngỏ ý muốn mua ngôi nhà với giá 8 tỷ đồng nhưng vợ chồng bà không bán. “Thời điểm đó, số tiền này có thể mua được gần 10 ngôi nhà mới nhưng đây là tài sản quý giá được các cụ trao truyền từ bao đời nên chúng tôi giữ lại bằng được”, bà Mai nói. Ngoài ngôi nhà chính, các công trình khác như 3 gian nhà ngang, nhà bếp của gia đình cũng được làm bằng gỗ lim cách đây hơn 100 năm.

Ở xã Liên Chung có khoảng 30 nhà cổ từ 100 năm tuổi trở lên còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Các gia đình sở hữu nhà cổ đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản. Theo nhiều hộ dân, sở dĩ họ gìn giữ những ngôi nhà này bởi đó không chỉ là tài sản quý còn lại qua thời gian mà còn do ngôi nhà đã gắn bó với bao thế hệ. 

Trong mỗi nếp nhà ấy, các gia đình giáo dục con cháu những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ, phân biệt điều hay, lẽ phải, tiếp thu những cái mới, phù hợp với thuần phong mỹ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những ngôi nhà cổ không chỉ có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa của một giai đoạn lịch sử mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, quy tụ, sum họp gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, gìn giữ nền nếp gia phong.

Theo baobacgiang.com.vn