Thứ 5, 21/11/2024, 23:42[GMT+7]

Chị Ngân mang nghề về với chị em

Thứ 3, 20/04/2021 | 11:34:14
8,842 lượt xem
Mô hình đan làn nhựa không chỉ giúp chị Trần Thị Ngân, thôn Nam Hiệp Trung, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) có thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chị Trần Thị Ngân (người ngoài cùng bên trái) giới thiệu sản phẩm với cán bộ hội phụ nữ.

Hơn 14 năm trước, chị Ngân khởi sự làm giàu chỉ thông qua một ấn phẩm quảng cáo về làn nhựa đựng gà. Chị cho biết: Tôi tự mày mò và làm thôi. Lúc đầu làn đan mẫu không được đẹp mắt, một tháng mà chỉ bán được vài chiếc cho những người bạn. Dần dần, nhiều người tiêu dùng cũng đã nhận thấy ưu điểm của làn nhựa là bền, mẫu mã đẹp chứ không đơn điệu, hay gãy như làn mây, tre. Tay nghề của tôi qua thời gian cũng được nâng lên, từ người thân rồi các khách hàng giới thiệu cho nhau, nhiều người đã biết đến và đặt hàng làn nhựa. Nhận thấy tiềm năng từ mặt hàng này nên tôi quyết tâm theo nghề, mở rộng cơ sở để nhiều chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Chị Ngân nghiên cứu thay đổi mẫu mã, vật liệu làm làn để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, sản phẩm làn nhựa đựng gà của chị đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tháng cơ sở sản xuất từ 5.000 - 10.000 sản phẩm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mặt hàng làn nhựa vẫn tiếp tục thu hút nhiều người đến tận nơi để xem và đặt hàng. Sản phẩm này mỗi năm đã mang về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. 

Theo chị Ngân, công việc đan làn rất phù hợp với những phụ nữ trung tuổi, lớn tuổi. Họ có thể mang vật liệu về nhà làm, vừa có việc làm mang lại thu nhập vừa có thể làm thêm nhiều việc khác mà không bị gò bó thời gian như đi làm tại các công ty. Chị Ngân cũng tạo điều kiện, quan tâm tới đời sống gia đình chị em, chính bởi vậy nhiều chị em ở xã Đông Hòa đã gắn bó nhiều năm với cơ sở đan làn của chị. 

Chị Bùi Thị Tuyết, thôn Nam Hiệp Trung cho biết: Tôi lớn tuổi rồi, không đi làm ở các công ty được, ở nhà bán hàng tạp hóa, làm nghề đan làn nhựa cũng được 6 năm, thu nhập thêm từ đan làn cũng khá, trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng.

Chị Ngân cho biết thêm: Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Hòa, tôi và 6 chị khác đã thành lập Tổ hợp tác đan làn xã Đông Hòa. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở rộng sản xuất thêm một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác phục vụ nhu cầu thị trường cũng như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Chị Vũ Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Hòa cho biết: Với hình thức sản xuất không tập trung, mô hình đan làn nhựa của chị Ngân và một số mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ xã Đông Hòa vẫn duy trì sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động trong bối cảnh dịch  Covid-19 diễn biến phức tạp. Chị Ngân không chỉ là phụ nữ năng động, làm kinh tế giỏi, giúp nhiều hội viên phụ nữ trong xã có việc làm ổn định mà còn là hội viên tích cực tham gia các hoạt động do các cấp hội phát động, đặc biệt là tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Phương Chi