Thứ 7, 28/12/2024, 01:25[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung về nông nghiệp

Thứ 5, 22/04/2021 | 20:15:34
10,011 lượt xem
Chiều ngày 22/4, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các dự thảo: Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; tình hình sâu bệnh và một số chủ trương, biện pháp bảo vệ lúa xuân. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Với quan điểm tập trung gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn, cấy hết quỹ đất dành cho trồng lúa, vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 76.000ha, năng suất đạt 60,5 tạ/ha trở lên. Diện tích cây màu hè, hè thu phấn đấu đạt 17.000ha trở lên; cây vụ đông phấn đấu 36.000ha trở lên. Diện tích cấy bằng máy phấn đấu đạt 12.000ha; diện tích trồng trọt có liên kết, tiêu thụ sản phấm khoảng 15.000ha. Tổ chức lại sản xuất một số đối tượng cây trồng, xây dựng 4 – 5 mô hình quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt và xây dựng thương hiệu nông sản.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đã chỉ rõ các giải pháp sản xuất; trong đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất trồng trọt có hiệu quả kinh tế bền vững; phát triển diện tích sử dụng máy cấy với quy mô tập trung từ 10ha trở lên.

Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định trồng trọt là ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định chính trị xã hội. Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 0,6%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản bình quân 6 – 8%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ diện tích cây trồng được thực hiện thâm canh theo quy trình cải tiến là 85%, đến năm 2030 đạt 100%; tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 5 – 10%, đến năm 2030 là 20%. Năm 2021 – 2022, phấn đấu xây dựng 8 – 10 mô hình sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị; cấp 15 – 20 mã số vùng trồng cho sản xuất trồng trọt và cơ sở đóng gói. Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng cơ cấu sản xuất trồng trọt theo 02 cấp sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (lúa gạo, ngô, khoai tây, rau gia vị…), nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, đồng thời quy hoạch, phát triển trồng trọt theo vùng.

Về tình hình sản xuất vụ xuân năm 2021, đến nay, lúa xuân sinh trưởng tốt và tương đối đồng đều. Dự kiến lúa trỗ tập trung từ 5 – 15/5. Các loại sâu, bệnh hại: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm có mật độ thấp, gây hại nhẹ hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Từ nay đến cuối vụ, thời tiết, sâu bệnh còn diễn biến phức tạp, cần chú ý sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn cổ bông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh phát động đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 1 – 5/5 trên diện tích có mật độ sâu 20 con/m2; vùng có nguồn sâu đục thân 2 chấm cao khuyến cáo nông dân phòng trừ cùng thời gian với phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Toàn bộ diện tích lúa trỗ bông trước ngày 5/5 cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần khi lúa thấp tho trỗ và khi trỗ thoát hoàn toàn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021; cho ý kiến về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quan điểm về sản xuất, thời vụ, diện tích gieo cấy theo dự thảo đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021 đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo gieo cấy hết diện tích lúa, không để ruộng bỏ hoang; đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó cần quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mỗi địa phương lựa chọn 2 – 3 giống lúa chủ lực, 1 – 2 giống bổ sung trên cơ sở các giống đã được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng các giống có tính chống chịu khá với bệnh bạc lá, có chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ; xây dựng các mô hình làm điểm gieo cấy 1 - 2 giống lúa có chất lượng cao trong cùng một vùng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với cơ chế hỗ trợ vụ mùa, ngành Nông nghiệp cần xác định rõ đối tượng, quy mô, định mức hỗ trợ trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí được bố trí. Các huyện, thành phố căn cứ vào đề án chung của tỉnh ban hành đề án sản xuất phù hợp với thực tế tại địa phương.

Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp; tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia nông nghiệp để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo bảo đảm triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, hạn chế đưa số liệu cụ thể trong Nghị quyết. Quan điểm phát triển ngành trồng trọt thời gian tới cần phải xác định rõ lúa là cây trồng chủ lực; bố trí cơ cấu cây trồng trong đó có diện tích lúa đến năm 2025 cần tính toán kỹ trên cơ sở cân đối diện tích đất dành cho công nghiệp, diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đối với công tác phòng, trừ sâu bệnh trên lúa xuân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố trên cơ sở khuyến cáo của ngành Nông nghiệp triển khai công tác phòng, trừ sâu bệnh đến các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn của huyện; chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh đến các hộ nông dân để thực hiện. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại; đôn đốc các địa phương, hướng dẫn kỹ thuật tới các hợp tác xã, nông dân; phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình tuyên truyền về tình hình sâu, bệnh hại và biện pháp phòng trừ. Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày