Chủ nhật, 24/11/2024, 00:54[GMT+7]

Đầu tư sản xuất, cung cấp nước sạch: Không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế

Thứ 2, 26/04/2021 | 10:38:32
1,287 lượt xem
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, xã hội hóa các ngành dịch vụ không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thiếu tiền mà chỉ thiếu cơ chế. Điều này rất rõ trong xã hội hóa đầu tư ngành nước…

Vận hành trạm cấp nước sạch tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì.

Thị trường tiềm năng nhưng khó tiếp cận

Với khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch là cơ hội đầu tư rất lớn cho các doanh nghiệp (DN). Nhưng thực tế cho thấy, DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức. 

Tại cuộc Tọa đàm “Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, từ năm 2005, việc cổ phần hóa các công ty cấp nước đô thị đã được triển khai, tới nay đã thực hiện được với hơn 100 công ty (còn 10/111 công ty chưa được cổ phần hóa). Ngoài ra, cả nước hiện có khoảng 100 DN tư nhân đã đầu tư vốn để thực hiện dịch vụ cung cấp nước sạch ở khu vực đô thị (ở nông thôn có hàng trăm DN tư nhân), trong có nhiều DN có nguồn vốn lớn. 

Nhưng theo ông Huân, vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay là: chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; Thực hiện luật và chính sách không triệt để; Không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; Không có quy hoạch chi tiết và tuân thủ quy hoạch; Cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ; Cơ chế thông tin minh bạch mời gọi đầu tư; Nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; các DN tư nhân tự do cạnh tranh không lành mạnh trên một khu vực hẹp; Khó khăn tiếp cận vốn; tiếp cận công nghệ mới...

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Nhật Hải (Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Sau đại học Trường Đại học Đại Nam) dẫn chứng, ở Thái Nguyên, 1 nhà máy nước đầu tư thừa công suất nhưng không bán được cho dân cư mặc dù ống nước chạy qua (chỉ bán được cho khu công nghiệp). Trong khi đó tại Phú Thọ lại được bán thoải mái, bà con ở vùng sâu, vùng xa vẫn được mua với mức giá hợp lý.

TS Hải cho rằng, vấn đề ở đây là cơ chế chính sách của từng địa phương và thực hiện tốt Thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT (về Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn).

Chính sách cần minh bạch và khả thi

Theo bà Hà Thanh Hằng, Trưởng ban chính sách hợp tác Quốc tế, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chủ trương chính sách của Đảng trong xã hội hóa ngành nước đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy nhiên, muốn tiến hành xã hội hóa cần cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch.

“Trên thực tiễn, các rào cản nhất với các DN là, chính sách đã có nhưng để tiếp cận được chính sách và lấy được ra vốn có rất nhiều thủ tục…” - bà Hằng nêu quan điểm.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Halcom Vietnam, ông Olli Keski Saari quả quyết, muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư sẽ cần 2 yếu tố chính: cơ chế chính sách rõ ràng và cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho các DN… Bởi nếu các công ty tư nhân họ cảm thấy không đảm bảo được về quyền lợi sở hữu, không tin tưởng được sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư hợp lý bù vốn, thì khó có thể bỏ vốn đầu tư.

Điểm lại những VBQPPL liên quan đến lĩnh vực cấp nước,  PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hạ tầng, Bộ xây dựng) cho rằng, về cơ bản, các văn bản đã tương đối đầy đủ nhưng trong 14 năm qua, hoạt động trong lĩnh vực cấp nước có nhiều thay đổi, đặc biệt là các luật đã được ban hành, nhiều nội dung luật đã được ban hành đã phủ nhận, hoặc làm suy giảm hiệu lực Nghị định 117/2007/NĐ-CP (về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch).

Ông Phạm Anh Tuấn (Trưởng phòng quản lý dự án, Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường, Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, hệ thống VBQPPL có nhiều và khá bao trùm đầy đủ nhưng trong quá trình thực thi có nhiều vướng mắc. Ví dụ như Thông tư 54 và Thông tư 56, với mô hình cấp nước nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, việc kêu gọi xã hội hóa là rất khó khăn. 

“Với những vùng sâu, vùng xa, dân tộc không có các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, vai trò đấy chuyển sang cho các trung tâm cung cấp nước sạch của các tỉnh. Với mô hình xã hội hóa, các trung tâm này sẽ chuyển đổi thành trạm cổ phần, sẽ xuất hiện vướng mắc ở chỗ, khi chuyển đổi, các tài sản có giao cho họ quản lý hay không?” - ông Phạm Anh Tuấn băn khoăn.

Ông Tuấn cũng cho biết, Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường đang tham mưu với Bộ để điều chỉnh về nội dung trên vì nếu không được giao tài sản thì không thế chấp ngân hàng để vay tiền. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho hệ thống nước sạch thường rất lớn…

 “Muốn được xã hội hóa, DN cũng phải vào cuộc. DN không thiếu tiền chỉ thiếu cơ chế và khi tháo bỏ được cơ chế khó khăn thì DN sẽ chung tay làm thì rất tốt. Các văn bản, nghị định, thông tư đã có nhưng làm thế nào để vận hành chính sách đó là một vấn đề...” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh. 

Theo baophapluat.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày