Thứ 6, 22/11/2024, 11:27[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Thứ 5, 29/04/2021 | 09:23:56
1,725 lượt xem
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, thời tiết trong những ngày tới thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa; các địa phương cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng, trừ kịp thời.

Nông dân huyện Thái Thụy chăm sóc lúa xuân.

Gieo cấy 8 sào, những ngày qua, bà Phạm Thị Lĩnh, xã Bắc Sơn (Hưng Hà) tập trung ra đồng chăm sóc lúa. Mặc dù hiện nay lúa sinh trưởng, phát triển tốt nhưng bà vẫn luôn theo dõi và chủ động phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, không để ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Bà Lĩnh cho biết: Vụ xuân này tôi cấy 8 sào, trong đó chủ lực là giống BC15 có gen kháng đạo ôn. Thời tiết từ đầu vụ đến nay thuận lợi cho lúa phát triển, khi mới cấy xuất hiện ốc bươu vàng gây hại cục bộ nhưng tôi đã kịp thời diệt bỏ bằng biện pháp thủ công. Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu giống lúa, sử dụng các giống có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh nên từ đầu vụ đến nay tôi chưa phải phun thuốc sâu lần nào. Tuy nhiên tôi vẫn thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh để phun thuốc phòng, trừ kịp thời.

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Nhìn chung, vụ xuân năm 2021 các loại dịch bệnh gây hại trên cây lúa ít hơn so với mọi năm. Huyện Đông Hưng gieo cấy 11.203ha, hiện tại lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng, ôm đòng, trỗ bông. Dự kiến đến ngày 30/4 có khoảng trên 2.500ha lúa trỗ bông, diện tích còn lại sẽ trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, hiện nay trên đồng ruộng một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh, gây hại, trong đó đặc biệt chú ý đến sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông. Để bảo vệ an toàn cho lúa xuân, huyện đã phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa trỗ sau ngày 30/4, thời gian từ ngày 30/4 - 4/5; đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun thuốc phòng, trừ cho trà lúa trỗ bông trước ngày 5/5, phun 2 lần: lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn. Ngoài ra, một số xã như Đông Dương, Đông Quang có mật độ sâu đục thân hai chấm cao, cần phun kết hợp trong chiến dịch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Đến nay, 76.268ha lúa xuân trên địa bàn tỉnh sinh trưởng tốt và tương đối đồng đều. Trà lúa xuân dài ngày đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông; trà lúa đại trà đang ở giai đoạn làm đòng. Lúa xuân trỗ bông tập trung từ ngày 5 - 15/5. 

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo điều tra của Chi cục, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ thấp hơn so với vụ xuân năm 2020; dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có thời gian nở kéo dài, gây hại lá công năng và lá đòng trên diện tích lúa trỗ sau ngày 30/4. Trong đó, các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương có mật độ cao hơn so với các địa phương khác; diện tích xanh non, thừa đạm mức độ gây hại nặng hơn. Trước diễn biến của sâu bệnh, Chi cục đã báo cáo, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh phát động đợt phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 1 - 5/5, diện tích cần phun trừ khoảng 67.300ha; đồng thời, có văn bản gửi các huyện, thành phố hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật phòng, trừ. Ngoài ra, các địa phương cần chú ý một số đối tượng sâu bệnh khác như: bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm khi lúa trỗ gặp không khí lạnh và mưa; sâu đục thân hai chấm (vùng có nguồn sâu cao như một số xã của huyện Đông Hưng, huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình); rầy các loại...

Vụ xuân là vụ sản xuất chính trong năm nhằm ổn định lương thực, nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Để chủ động bảo vệ an toàn sản xuất, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm chắc tình hình sâu bệnh hại lúa để hướng dẫn nông dân tổ chức phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày